Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Mùa ĐHCĐ 2012: DN không dám hứa, đại gia không dám "nổ"
2012-03-26 09:11:41

 

Khác với các mùa đại hội cổ đông trước, năm nay, các DN có xu hướng thận trọng và đưa ra những chỉ tiêu rất thấp, thấp đến ngạc nhiên với giải thích: mục tiêu bảo toàn vốn.

Sự "khiêm tốn" này bắt nguồn từ những khó khăn hiện tại, từ những thất bại, thất hứa năm trước và cũng có thể còn là ý chí muốn "dìm hàng" từ các ông chủ. Cơ hội ngậm miệng, bé miệng để tránh áp lực từ cổ đông, để trục lợi đang hiển hiện và không ít các đại gia có thể đang tranh thủ nắm bắt.

 

Cẩn trọng là hợp thời

 

Không đao to búa lớn như các năm trước, năm 2012 đang chứng kiến những kịch bản kế hoạch kinh doanh đầy thất vọng của các công ty niêm yết.

 

Tất nhiên, không có gì khó hiểu về việc doanh nghiệp tính "để" doanh thu, lợi nhuận và cổ tức thấp trong năm nay khi mà tình hình thiếu vốn, lãi suất cao vẫn chưa chuyển biến nhiều. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy các "thuyền trưởng" đang theo đuổi những mục tiêu thấp nằm ngoài mong đợi của rất nhiều cổ đông, đặc biệt các cổ đông nhỏ lẻ.

 

Trường hợp LCG của CTCP Licogi 16 có lẽ được coi là phát pháo cho một xu hướng thận trọng mới này.

 

Nhiều nhà đầu tư đã khá bất ngờ, thậm chí một số bất bình sau khi đại hội cổ đông của LCG thông qua các kế hoạch thấp nhất trong số các phương án mà được công ty đưa ra xin ý kiến cổ đông trong suốt khoảng thời gian kể từ tháng 12/2011.

 

Chung cuộc, LCG chốt lại sẽ cố gắng đạt lợi nhuận bằng 0 đồng trong năm 2012 và tất nhiên cổ tức cũng sẽ là 0%. Cổ tức cho năm 2011 cũng được co về mức 5%.

 

Các phương án chốt này được thống nhất nhờ vào "ý kiến của các cổ đông lớn". Nó gần như quay ngoắt so với những mong đợi ban đầu của nhiều người và khiến giá cổ phiếu rớt sàn liên tục.

 

Giải thích cho vấn đề này, đại diện của LCG cho biết, trong năm 2012 vẫn sẽ là năm khó khăn đối với công ty. Trong đó, khó nhất là tìm vốn cho hoạt động đầu tư.

 

Mặc dù vậy, không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao LCG phải đổi cách ghi nhận doanh thu trong năm 2012. Với cách ghi nhận doanh thu dự án bất động sản theo từng giai đoạn sẽ cho doanh nghiệp có một kế hoạch tốt hơn với một khoản lợi nhuận đáng kể. Liệu rằng ở đây có sự thận trọng và khiêm tốn quá mức hay không?

 

Xu hướng cẩn trọng trong việc đặt mục tiêu kinh doanh năm 2012 dường như đang hình thành và lan rộng.

 

Sơ sơ cũng có thể thấy một loạt các doanh nghiệp đang tính toán đưa ra những kế hoạch lợi nhuận thấp như: Cao su Thống Nhất (TNC) với lợi nhuận 2012 giảm 55,7% so với năm trước; PIT doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận giảm 9%; HDG lợi nhuận và doanh thu giảm 35% và 30%; PVG dự kiến đưa ra kế hoạch LNTT 40 tỷ đồng (so với 199 tỷ đồng năm 2011); TRC giảm (doanh thu); SAM giảm nhẹ lợi nhuận...

 

Trong trường hợp "đại gia" VCG của Vinaconex, đại hội cổ đông chưa diễn ra (dự kiến 20/4). Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy một kế hoạch lợi nhuận thấp sẽ được đề ra cho năm 2012. Trước đó, trong kế hoạch cho giai đoạn 2012-2016, VCG cho biết đây là khoảng thời gian công ty đứng trước khó khăn về nguồn tài chính với áp lực về nguồn vốn triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và áp lực trả nợ ngân hàng, thanh toán trái phiếu đến hạn... Khó khăn của VCG ngoài những lý do chung của nội tại công ty còn có những khó khăn do bối cảnh kinh tế cả nước.

 

Mạnh miệng chả ăn gì?

 

Vấn đề được đặt ra là tại sao các doanh nghiệp không rủ mà lại đang cùng nhau đưa ra các kế hoạch kinh doanh thấp cho năm 2012 như vậy? Câu trả lời có lẽ là do các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn và bị "hố" trong những cam kết năm 2011 vừa qua?

 

Khó khăn là rõ ràng bởi lãi suất chưa giảm nhiều, nhiều thị trường đang ở tình trạng bê bết đóng băng, sức cầu yếu như bất động sản... Nhưng có một điều là không rõ các doanh nghiệp có dự tính những thay đổi tích cực về vĩ mô đang diễn ra vào bản kế hoạch kinh doanh 2012 của mình không?

 

Kỳ vọng cho 6 tháng đến một năm tới đang khá tích cực. Lạm phát có thể giảm mạnh xuống dưới 10%, thậm chí có dự báo thấp hơn nhiều; lãi suất có thể về 14-15%; TTCK đang sôi động nên các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động vốn; và tiếp đó là bất động sản sẽ phục hồi (sau cao trào hồi phục của chứng khoán).

 

Câu hỏi nói trên có lẽ sẽ còn được nhiều cổ đông đặt ra với các doanh nghiệp trong kỳ đại hội đang sắp đồng loạt diễn ra.

 

Lật lại các bản kế hoạch kinh doanh và thực tế triển khai trong năm trước, có thể thấy, đã có không ít các doanh nghiệp phải "cài số lùi" cho các mục tiêu của mình.

 

Đầu năm 2011, PXI đặt kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng, LNTT 150,6 tỷ đồng, và cổ tức 17% nhưng chung tới gần hết năm kế hoạch đã bất ngờ được điều chỉnh xuống tương ứng là 1.717 tỷ, 70 tỷ đồng và 13%.

 

Rốt cuộc, PXI thậm chí còn không đạt được kết quả điều chỉnh. Số liệu chưa kiểm toán cho thấy, doanh thu của PXI năm 2011 chỉ đạt 1.663 tỷ đồng, LNTT 60 tỷ và sau thuế chỉ còn 43 tỷ đồng.

 

Một số trường hợp "lỗi hẹn" khác có thể thấy là SMC (kế hoạch LNST 90 tỷ đồng, điều chỉnh xuống 80, hoàn thành 73 tỷ đồng); VST (kế hoạch LNST 17 tỷ đồng, thực tế đạt 14,8 tỷ đồng); UDC (kế hoạch LNTT 71,99 tỷ đồng, điều chỉnh xuống 25,05 tỷ, thực tế 22,9 tỷ đồng); MKV (kế hoạch LNTT 1,5 tỷ đồng, điều chỉnh xuống 1 tỷ, thực tế 157 triệu đồng); IJC (kế hoạch LNTT 6.815 tỷ đồng, điều chỉnh xuống 397 tỷ, thực tế 403 tỷ đồng)...

 

Dẫu rằng, kinh doanh là phụ thuộc nhiều vào chính sách, vào sự lên xuống của nền kinh tế. Nhưng, có lẽ không có nhiều doanh nghiệp không nhận biết được trước những khó khăn phải đối mặt. Bởi khủng hoảng đã bắt đầu từ những năm trước và các doanh nghiệp đều có tính toán đến giá cả tăng giảm, chi phí leo cao, tiền vay vốn...

 

Mặc dù vậy, khi đó dường như phong trào "bánh vẽ" kế hoạch kinh doanh đang là mốt, đặc biệt khi chứng khoán sôi động. Mỗi khi doanh nghiệp tung ra những kịch bản hoành tráng về doanh thu, lợi nhuận, rồi phát hành thêm... thì giá cổ phiếu tăng ầm ầm, có khi gấp vài ba lần.

 

Thực tế đã chứng minh điều này. Và tất nhiên khi có sóng, chắc hẳn sẽ có nhiều người được lợi.

 

Khi TTCK rơi vào ảm đạm, giá cổ phiếu rớt thảm do không đạt kỳ vọng thì cuộc chơi tạm thời gián đoạn. Các doanh nghiệp tìm cách giải thích với cổ đông. Lỗi có lẽ phần lớn là do "xu hướng chung của thị trường" và "tình hình kinh tế khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao".

 

Rõ ràng, sự "khiêm tốn" trong các bản kế hoạch cho năm 2012 bắt nguồn từ những khó khăn hiện tại, từ những thất bại, thất hứa năm trước và cũng có thể còn là ý chí muốn "dìm hàng" từ các ông chủ. Cơ hội để ngậm miệng, bé miệng để tránh áp lực từ cổ đông, để trục lợi đang hiển hiện và không ít các đại gia có thể đang tranh thủ nắm bắt.

 

Khó khăn năm 2011 khiến một loạt doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch giảm xuống đã làm tổn hại không ít đến uy tín của rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Mỗi lần điều chỉnh như thế, giá cổ phiếu giảm xuống những người trong cuộc "chả kiếm được gì" mà dễ bị cổ đông la ó.

 

Trong năm nay, tình hình đã có nhiều thay đổi do vậy có khi đưa ra những kịch bản thấp lại hay. Tới gần cuối năm, nếu mọi sự thuận lợi, doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch lên như thế cổ đông sẽ thấy vui. Những người cầm trịch nhiều khả năng được thưởng lớn (theo tỷ lệ vượt kế hoạch) và có thể sẽ không phải vất vả bán cổ phiếu ra như trước đó.

 

Thực sự mùa đại hội cổ đông mới chỉ đang bắt đầu. Cho tới thời điểm này, mới có một số ít các doanh nghiệp tổ chức và đưa ra kế hoạch cho năm 2012. Nhiều khả năng, rất nhiều ông chủ đang tính toán trong những kịch bản "hay nhất" trình cổ đông. Nhưng rõ ràng, thời điểm này vẫn còn cơ hội để cho các cổ đông đấu tranh giành lại quyền lợi hợp pháp và hợp lý cho mình. Tất nhiên, cũng cần sự hỗ trợ đắc lực từ các cơ quan chức năng.

 

Theo Mạnh Hà
VEF





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,167.504,767.50
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,291.703,901.70
100g ABC Bullion Bar
13,758.0012,608.00
1kg ABC Bullion Silver
1,674.201,324.20
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 148
  • Truy cập hôm nay: 3232
  • Lượt truy cập: 8610891