Ví TTCK không phải là cái “mỏ tiền” để công ty nào tham gia vào đó đều có thể huy động được vốn, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM cho rằng, nếu DN không huy động được vốn, thì câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là DN có thực sự mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn không? Vì sao người đầu tư không sẵn lòng bỏ vốn vào cơ hội đó?
Năm 2011, hoạt động của TTCK Việt Nam diễn ra ảm đạm. Một số DN đã tính đến việc rút niêm yết vì cho rằng, TTCK không còn đảm đương được vai trò là kênh huy động vốn cho DN. Quan điểm của ông về hiện tượng này?
Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng hiện nay, đã có những ý kiến thể hiện sự hoài nghi về lợi ích của TTCK, viện dẫn những lý do về tình trạng DN không huy động được vốn hay công chúng đầu tư bị thua lỗ.
Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng, khi TTCK hoạt động hiệu quả sẽ mang lại những lợi ích to lớn đối với nền kinh tế.
Đây là kênh huy động vốn dài hạn quan trọng, tài trợ cho sự tăng trưởng của các DN, là cơ chế phân bổ vốn hiệu quả cho các dự án đầu tư tiềm năng và phương tiện phân tán rủi ro, giảm nguy cơ phá sản của DN.
Những lợi ích này có ý nghĩa hơn nhiều so với một số bất cập thường được nhắc tới như là mặt trái của TTCK. Do vậy, TTCK vẫn luôn được chú trọng phát triển trong một hệ thống tài chính cân bằng, hiện đại của một quốc gia.
TTCK vẫn thường được đề cập tới như là kênh huy động vốn đối với DN, nhưng đối với người đầu tư, TTCK cũng đồng thời là cơ chế để lựa chọn cơ hội, phân bổ nguồn vốn đầu tư và giám sát việc sử dụng vốn.
Vì vậy, dễ nhận thấy là để huy động được vốn, tổ chức phát hành phải có được những đề xuất hấp dẫn đối với người đầu tư để họ sẵn sàng tham gia góp vốn.
Hơn nữa, tổ chức phát hành còn phải nuôi dưỡng sự tín nhiệm của người đầu tư thông qua việc thực hiện thấu đáo cam kết của mình về sử dụng vốn.
Do đó, cần nhìn nhận thị trường một cách sòng phẳng từ cả hai phía. TTCK không phải là cái “mỏ tiền” mà công ty nào tham gia vào đó đều có thể huy động được vốn. Nếu DN không huy động được vốn, thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là DN có thực sự mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn và vì sao người đầu tư không sẵn lòng bỏ vốn vào cơ hội đó?
Ông có thể nói rõ hơn về chức năng phân bổ và giám sát của TTCK?
Một vai trò cơ bản của TTCK thường ít được nhắc tới đó là vai trò thúc đẩy hệ thống quản trị tốt tại DN. Trong môi trường hoạt động sản xuất - kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, vấn đề thông tin không hoàn hảo và khả năng giám sát hạn chế của người đầu tư đối với hoạt động của DN có thể dẫn đến những hành vi đầu tư và quản lý kém hiệu quả của người điều hành DN trực tiếp.
Do vậy, TTCK và các định chế liên quan xác lập nên cơ chế giải quyết vấn đề này thông qua việc tạo ra các thông tin làm cơ sở cho quyết định phân bổ vốn và giám sát hoạt động DN của người đầu tư, bao gồm các thông tin tài chính, thông tin về quản trị điều hành, báo cáo kiểm toán, định mức tín nhiệm, các báo cáo của chuyên gia phân tích…
Chính cơ chế tạo ra thông tin này có ảnh hưởng quan trọng đến tính hiệu quả của DN. Bên cạnh những thông tin công bố, giá và thanh khoản giao dịch chứng khoán trên thị trường chuyển tải những thông điệp quan trọng về khả năng sinh lợi của DN, mức độ quan tâm của người đầu tư, từ đó tạo ra cơ sở so sánh, định hướng các quyết định quản lý hay đầu tư.
Những thông tin trên thị trường giúp phân loại, xác định những DN hoạt động kém hiệu quả, những đội ngũ điều hành nhiều tai tiếng, hoặc những dự án không khả thi sẽ không huy động được vốn đầu tư.
Bên cạnh cơ chế tạo ra thông tin, TTCK và các định chế liên quan còn hỗ trợ việc giám sát những người điều hành DN theo nhiều cách khác nhau, bao gồm hình thành các thông tin giúp cho việc đánh giá chất lượng của các quyết định điều hành DN trong quá khứ, thông tin về chế độ thù lao gắn với giá chứng khoán của những người điều hành, đồng thời tạo ra sự đe dọa về khả năng DN bị thâu tóm do những quyết định quản lý kém hiệu quả.
Nhưng nếu những cơ chế đó chưa thực sự phát huy hiệu quả thì sao, thưa ông?
Đó là một thực tế không thể tránh khỏi tại các TTCK mới nổi, trong đó có Việt Nam. Do có sự tách biệt giữa người bỏ vốn và người sử dụng vốn, nên vẫn thường xảy ra tình trạng tổ chức phát hành không thực hiện cam kết của mình, còn người đầu tư thì không đủ khả năng và công cụ giám sát việc sử dụng vốn.
Trong khi đó, những yếu tố nền tảng của hệ thống tài chính như tổ chức kế toán - kiểm toán, tổ chức định mức tín nhiệm, thị trường trái phiếu chính phủ, chuẩn mực về quản trị công ty… còn khiếm khuyết hoặc hoạt động chưa hiệu quả.
Tại hầu hết các TTCK mới nổi như Việt Nam hiện nay, khuôn khổ pháp lý và quản lý của thị trường cổ phiếu còn rất mới mẻ, năng lực cưỡng chế thực thi còn những bất cập để có thể bảo vệ lợi ích và niềm tin của công chúng đầu tư.
Vẫn còn thiếu tính minh bạch trong cơ chế hoạt động và công bố thông tin của thị trường cũng như DN, hạn chế về các kênh tiếp cận thị trường cổ phiếu đối với người đầu tư, sự mờ nhạt về vai trò của các định chế đầu tư và các trở ngại đối với hoạt động mua bán và sáp nhập DN…
Đây chính là những thách thức đối với việc tạo ra các điều kiện cần thiết cho một nền “văn hóa cổ phiếu” phát triển.
Trước thềm năm mới 2012, nói về tương lai thị trường, ông chia sẻ điều gì?
Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế khác biệt giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển đang làm thay đổi cục diện phân bố tài sản trên TTCK toàn cầu.
Theo McKinsey, tài sản tài chính tại các thị trường mới nổi đã tăng trưởng với tốc độ khoảng 16,6%/năm trong thập kỷ qua, cao gấp gần 4 lần so với tốc độ tăng tại các quốc gia phát triển.
Số tài sản này có trị giá khoảng 41.000 tỷ USD vào năm 2010, chiếm tỷ trọng 21% trên toàn cầu. Theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế khác nhau, McKinsey dự báo, tài sản tài chính tại các thị trường mới nổi sẽ gia tăng tỷ trọng lên 30-36% trên toàn cầu vào năm 2020.
Với sự tăng trưởng nhanh, các thị trường mới nổi sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại là tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết toàn cầu được McKinsey dự báo có thể sụt giảm từ mức 28% hiện nay xuống còn 22% vào năm 2020, dẫn tới một khoản thiếu hụt về vốn lên tới hơn 12.000 tỷ USD đối với các công ty niêm yết, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi.
Người đầu tư tại các thị trường mới nổi chỉ phân bổ khoảng 15% tài sản của mình vào cổ phiếu, so với khoảng 42% như tại Mỹ.
Điều này phản ánh thực trạng về mức thu nhập còn thấp, thị trường tài chính còn kém phát triển và còn những trở ngại khác đối với khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Thách thức cơ bản đặt ra đối với tương lai của các TTCK mới nổi là tốc độ và mức độ quan tâm của người đầu tư với cổ phiếu và các công cụ tài chính khác.
Trong suốt thế kỷ qua, có một xu thế chung trong quá trình phát triển kinh tế. Khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, người đầu tư cũng sẵn sàng bỏ tiền vào những cơ hội đầu tư nhiều rủi ro hơn để đạt được mức sinh lợi cao hơn.
Xu thế này có thể thấy được không chỉ tại Mỹ và châu Âu, mà ngay tại Hồng Kông, Hàn Quốc hay Singapore. Trong nhiều thập kỷ qua, cổ phiếu luôn mang lại mức lợi suất hấp dẫn đối với công chúng đầu tư tại hầu hết các quốc gia.
Tuy nhiên, song hành với xu thế đó là sự phát triển hiệu quả của TTCK với những yếu tố nền tảng như khuôn khổ pháp lý bảo vệ lợi ích người đầu tư nhỏ lẻ, tính minh bạch của các công ty niêm yết, tính thanh khoản của thị trường, vai trò trụ cột của các định chế đầu tư và khả năng dễ tiếp cận đối với công chúng đầu tư.
Thị trường cổ phiếu đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc dẫn vốn một cách hiệu quả đến các công ty hoạt động tốt nhất.
Mặc dù những so sánh giữa vốn cổ phần với vốn vay nợ vẫn còn tiếp diễn, nhưng các nghiên cứu thực chứng thuyết phục nhất đều cho thấy rằng, nếu khuôn khổ bảo vệ lợi ích cho các cổ đông đủ mạnh, các hệ thống tài chính có sự hiện diện của thị trường vốn hiệu quả song hành cùng với hệ thống ngân hàng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định hơn so với hệ thống tài chính chỉ dựa vào ngân hàng.
Theo ĐTCK
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,184.70 | 4,784.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,305.90 | 3,915.90 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
13,803.70 | 12,653.70 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,683.20 | 1,333.20 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 75
- Truy cập hôm nay: 4028
- Lượt truy cập: 8611687