Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Vụ cổ phần hóa công ty du lịch Tiền Giang: Nhiều cán bộ bị kiểm điểm, kỷ luật
2011-10-10 09:54:14

Ông Ngô Hoài Nam (giám đốc Trung tâm đấu giá) bị đề nghị khiển trách vì nhận đơn xin đấu giá không hợp lệ của ông Hoàng Kiều, đề xuất UBND tỉnh giảm giá cổ phần từ 61.000 đồng/cp xuống 45.100 đồng/cp.

Liên quan đến vụ cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang, ông Hồ Kinh Kha - giám đốc Sở Tài chính Tiền Giang - cho biết đã tiến hành kiểm điểm sai phạm của ông Ngô Hoài Nam (giám đốc Trung tâm đấu giá) và đề nghị kỷ luật khiển trách ông này.

Sai phạm của ông Nam là nhận đơn xin đấu giá không hợp lệ của ông Hoàng Kiều; đề xuất UBND tỉnh giảm giá cổ phần từ 61.000 đồng xuống còn 45.100 đồng/cổ phần, tạo điều kiện cho ông Hoàng Kiều trúng đấu giá 45.200 đồng/cổ phần, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Riêng hai phó giám đốc Sở Tài chính là Võ Thị Ngọc Dung và Phan Thanh Nhu (hiện là giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất), sở đề nghị UBND tỉnh kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền. Bà Dung và ông Nhu là thành viên ban đổi mới doanh nghiệp tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh không đúng, dẫn đến sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang.

Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang đã kiểm điểm và quyết định phê bình, rút kinh nghiệm nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phòng vì cho miễn tiền thuê đất bãi biển Tân Thành theo đề nghị của Công ty CP Du lịch Tiền Giang.

Hiện tỉnh đã thu hồi bãi biển này. Nguyên phó chủ tịch Trần Thanh Trung (đã nghỉ hưu) là người trực tiếp quyết định các vấn đề liên quan đến cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang sẽ được chuyển cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm điểm, xử lý. Riêng ông Trần Thanh Tiến (nguyên tổng giám đốc công ty, cán bộ Sở Nội vụ Tiền Giang) do cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ những sai phạm có dấu hiệu hình sự nên Sở Nội vụ chưa kiểm điểm.

Công ty Du lịch Tiền Giang trước đây là doanh nghiệp nhà nước được xếp vào hàng “đại gia” vì có tới 10 khách sạn, nhà hàng, khu du lịch. Toàn bộ diện tích đất công gần 216.000m2 của các công trình này đều ở những vị trí đắc địa.

Chẳng hạn khách sạn Sông Tiền cao bảy tầng nằm ở mặt tiền đường Trưng Trắc, Lãnh Binh Cẩn và Thủ Khoa Huân (TP Mỹ Tho); khách sạn Hướng Dương (nay đổi tên thành Sông Tiền) năm tầng nằm ở mặt tiền đường Trưng Trắc, Thiên Hộ Dương (TP Mỹ Tho); nhà hàng Sông Tiền trên đường Lãnh Binh Cẩn (TP Mỹ Tho); nhà hàng Trung Lương ở ngã ba Trung Lương ngay cạnh cổng chào TP Mỹ Tho; Trung tâm điều hành du lịch trên đường 30-4 (TP Mỹ Tho), khu du lịch Thới Sơn (TP Mỹ Tho) nổi tiếng trên cù lao Thới Sơn hay khu du lịch biển Tân Thành (Gò Công Đông)... từ lâu đã trở thành “điểm đến” của du khách.

Tháng 11-2004, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Trung ký quyết định xác định giá trị thực tế của Công ty Du lịch Tiền Giang là 19,06 tỉ đồng (làm tròn). Trong đó giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 6,04 tỉ đồng (làm tròn). Thời điểm này công ty kinh doanh rất hiệu quả, cụ thể doanh thu tăng 26% so với năm trước, thực lãi hơn 874 triệu đồng.

Theo hồ sơ xác định giá được UBND tỉnh phê duyệt, thời điểm 31-12-2003 giá của nhà hàng và khách sạn Sông Tiền cao bảy tầng (chưa kể tầng trệt) diện tích hơn 2.300m2 chỉ có 2,73 tỉ đồng. Còn khách sạn Hướng Dương cao năm tầng được định giá có 369,5 triệu đồng. Nhà hàng Trung Lương (ngã ba Trung Lương) có giá 1,25 tỉ đồng...

Quyết định của UBND tỉnh cũng ghi rõ số lượng cổ phần nhà nước là 357.000 cổ phần (chiếm 51%), cổ phần ưu đãi bán cho người lao động chiếm 29%, số lượng 140.000 cổ phần còn lại (chiếm 20% vốn điều lệ) sẽ bán đấu giá công khai ra bên ngoài.

Ngay khi có quyết định xác định giá trị của Công ty Du lịch Tiền Giang, đã có rất nhiều ý kiến của cán bộ đương chức không đồng tình vì quá rẻ nhưng UBND tỉnh vẫn giữ nguyên. Sau đó, ngày 12-1-2005 UBND tỉnh chính thức ban hành quyết định chuyển công ty này thành Công ty CP Du lịch Tiền Giang với số vốn điều lệ... 7 tỉ đồng, tương đương 700.000 cổ phần. Ông Trần Thanh Tiến, giám đốc công ty, giải thích tài sản công ty được xác định 19 tỉ đồng, nhưng trong đó vốn vay là 12 tỉ đồng, nên vốn thực tế của công ty chỉ có 7 tỉ đồng.

Tháng 11-2008, Nhà nước vẫn còn nắm giữ 30% cổ phần tại Công ty CP Du lịch Tiền Giang. Các cá nhân nắm giữ trên 5% cổ phần gồm: ông Hoàng Kiều nắm 30%, bà Đào Thị Lan Phương (người thân ông Hoàng Kiều) nắm 34%. Tuy nhiên, ngày 19-1-2009 Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quyết định bán hết số cổ phần nhà nước nắm giữ là 210.000 cổ phần với giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phần.

Tháng 3-2009, thông qua Công ty CP chứng khoán An Bình, toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại công ty này đã được bán cho ông Hoàng Sammy Hùng (con ông Hoàng Kiều) với số tiền trúng đấu giá 7,56 tỉ đồng. Theo hồ sơ tại Công ty CP Du lịch Tiền Giang, đến ngày 24-3-2010 toàn bộ 100% cổ phần của Công ty CP Du lịch Tiền Giang đều đã thuộc về gia đình ông Hoàng Kiều.

Cụ thể, ông Hoàng Kiều 36%, ông Hoàng Sammy Hùng 30% và bà Lan Phương 34%. “Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục để tăng vốn điều lệ cho ông Hoàng Kiều” - giám đốc công ty Trần Thanh Tiến nói.

(Vân Trường - Tuổi trẻ)


Theo V.TR
Tuổi trẻ





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,193.804,793.80
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,313.503,923.50
100g ABC Bullion Bar
13,828.2012,678.20
1kg ABC Bullion Silver
1,688.401,338.40
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 47
  • Truy cập hôm nay: 174
  • Lượt truy cập: 8612795