Trong bài “Cái chết của Lehman dưới góc nhìn của người trong cuộc” anh có viết rằng, “bài học lớn nhất là chiến lược kinh doanh cùng quản trị rủi ro”. Điều này có ý nghĩa như thế nào với thị trường tài chính hiện nay, với các CTCK và hệ thống ngân hàng?
Bài học về quản trị rủi ro luôn có tính thời sự trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Tự thân đây đã là những ngành kinh doanh rủi ro.
So với thế giới, thị trường tài chính Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, các sản phẩm mới dừng ở mức độ đơn giản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường tài chính Việt Nam phát triển khá nhanh. Vì vậy, các ngân hàng và công ty chứng khoán trong nước ngày càng phải đối mặt với rủi ro kinh doanh lớn hơn. Đây là nguy cơ đến từ sự phát triển khi khả năng quản lý, quản trị có thể chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng và mở rộng.
Ví von thế này, trên đường Sài Gòn đông đúc, anh lái xe Matiz, chiếc Ferrari 458 của người bên cạnh không di chuyển nhanh hơn bạn là bao. Ra xa lộ, nếu muốn nhấn ga để đạt tốc độ 325 km/h như chiếc Ferrari 458 thì chắc chắn bạn sẽ gặp tai nạn. Nếu muốn đạt tốc độ trung bình, ít nhất bạn cần nâng cấp chiếc Matiz thành chiếc Daewoo Lacetti. (Cười).
Vấn đề nổi cộm của TTCK Việt Nam năm qua là tình trạng thao túng giá cổ phiếu. Từng “cận cảnh” các trung tâm tài chính lớn, anh đánh giá thế nào về sự minh bạch của TTCK Việt Nam hiện nay?
Dù đã bước sang tuổi lên 10, TTCK Việt Nam vẫn mang đặc trưng cố hữu của các thị trường mới nổi. Đó là sự hấp dẫn song hành với nhiều rủi ro. Một trong những lý do khiến mức độ rủi ro ở TTCK Việt Nam cao là tính minh bạch thông tin còn thấp. Nguyên nhân của hiện tượng này phần lớn nằm trong nhận thức chưa cao của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam chưa thực sự tưởng thưởng xứng đáng cho các doanh nghiệp cố gắng duy trì và tôn vinh tính minh bạch. Ở thái cực đối lập, thị trường cũng chưa có hành động quyết liệt như tẩy chay các doanh nghiệp vi phạm điều này.
Anh đánh giá thực trạng này xuất phát từ đâu?
Thực tế này có liên quan đến hạn chế về khung pháp lý cũng như khả năng thực thi pháp luật của cơ quan quản lý. Một phần cũng do ý thức chung của các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường với tâm lý đầu tư “đám đông”. Nếu các nhà đầu tư thể hiện yêu cầu minh bạch thông tin bằng hành động cụ thể (thái độ đầu tư đối với từng mã chứng khoán hay sản phẩm đầu tư), chắc chắn các doanh nghiệp sẽ buộc phải thay đổi.
Chúng ta đều biết, khi người tiêu dùng Việt Nam quay mặt với các sản phẩm của Vedan, Công ty này bắt buộc phải xuống thang và sửa chữa sai lầm của mình đối với hành vi phá hoại môi trường. Hành động này nên được phát huy trên TTCK.
Thị trường hiện nay phần đông là các NĐT cá nhân và hoạt động đầu cơ ngắn hạn thống lĩnh. Có mơ mộng quá không khi chúng ta kêu gọi họ “hành động trách nhiệm”?
TTCK không thể thiếu hoạt động đầu cơ, vấn đề là cơ chế điều tiết cho sự đầu cơ ấy. Hiện nay, khung pháp lý và việc thực thi pháp luật chưa theo kịp thực tế thị trường nên nhà đầu tư đang có các phản ứng thay thế. Điều này rất bình thường.
Tuy nhiên, muốn thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn, bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm còn phải tưởng thưởng, tôn vinh sự minh bạch. Nhà đầu tư nhỏ cảm thấy được bảo vệ, bình đẳng thì họ mới an tâm đầu tư, nếu không thị trường chỉ có hoạt động đầu cơ ngắn hạn.
Thay vì việc kêu gọi hãy hành động, theo tôi, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý và chính các doanh nghiệp. Tăng nặng khung phạt cũng như quyết tâm của các cơ quan chức năng thể hiện qua vụ việc Dược Viễn Đông, tôi tin tính minh bạch trên thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện dần trong thời gian tới.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý bảo vệ nhà đầu tư như cơ chế báo cáo tập trung vào chất lượng thông tin, hoàn thiện chuẩn mực kế toán, thi hành triệt để yêu cầu soát xét báo cáo tài chính, cơ chế giám sát các hành vi thao túng và làm giá cổ phiếu…
Một điều cũng khá quan trọng mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là sự minh bạch về định hướng chính sách vĩ mô. Họ cần các thông điệp nhất quán từ Chính phủ để có thể dự đoán chính sách và điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp.
Sự trồi sụt của TTCK Việt Nam thời gian qua được lý giải từ các nguyên nhân vĩ mô. Theo anh, còn lý do nào khác?
Sự bùng nổ trong giai đoạn 2006-2007 nhưng thiếu định hướng bài bản là một trong những nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam phát triển thiếu bền vững. Điều này đã bộc lộ thời gian qua. Đơn cử với CTCK, sau phong trào cấp phép thành lập CTCK vài năm trước đây thì hậu quả bây giờ là gì?
Hiện có 105 CTCK cạnh tranh khốc liệt trong một thị trường chưa đủ lớn. Điều này sẽ là một khó khăn cản trở các công ty chứng khoán đầu tư bài bản và hướng tới sự phát triển chuyên nghiệp. Ngoài ra, sự trồi sụt của TTCK Việt Nam cũng một phần có lý do từ việc lực lượng nhà đầu tư tổ chức còn đang quá mỏng, chưa đóng vai trò điều tiết, bệ đỡ cho thị trường.
Vậy làm thế nào để phát triển lực lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp?
Không có câu chuyện thần kỳ chỉ trong ngày một, ngày hai. Thu hút, phát triển các định chế tài chính lớn là một câu chuyện dài. Chẳng hạn, đối với các định chế tài chính quốc tế lớn, quy mô của TTCK Việt Nam hiện tại còn quá nhỏ để giành được sự quan tâm.
Việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư hiện đang bị chững lại. Tuy nhiên, nếu kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm liên tục, sức hấp dẫn sẽ đến, vị thế này có thể thay đổi.
Việt Nam cần thúc đẩy, phát triển quy mô của TTCK thông qua việc tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, đưa ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường. Lộ trình mở cửa ngành chứng khoán theo cam kết WTO vào năm 2012 sẽ tạo ra một sân chơi lớn cho các ngân hàng đầu tư quốc tế.
Đây là một điều kiện thuận lợi để các ngân hàng quốc tế mang khách hàng tổ chức của họ đến Việt Nam. Tôi tin, các công ty chứng khoán trong nước cũng sẽ được hưởng lợi từ việc học tập, hợp tác nhiều hơn.
Từng làm việc cho các định chế tài chính lớn như Lehman Brothers, Nomura (Australia) và Công ty Kiểm toán KPMG (Anh), điều gì khiến anh quyết định quay về Việt Nam lập nghiệp?
Đây là một câu hỏi thú vị mà nhiều bạn bè dành cho tôi. Xét về gia đình, bạn bè, cuộc sống ở Việt Nam thú vị và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Khi trẻ tuổi, chúng ta thường muốn bay nhảy và trải nghiệm ở các vùng đất xa xôi. Sau trải nghiệm đó, con người thường hướng về nguồn cội.
Xét về sự nghiệp, tôi cho rằng, cơ hội phát triển ở Việt Nam rất tốt, đặc biệt khi chúng ta ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế.
Trước khi về Việt Nam, tôi có chủ định thử sức tại một doanh nghiệp trong nước. Tôi hy vọng có thể chia sẻ, áp dụng các kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong 14 năm qua tại các tổ chức tư vấn và tài chính lớn trên toàn cầu vào thực tế Việt Nam. Tại CTCK Thăng Long, tôi đã tìm được một công việc ưng ý và đến nay, tôi cảm thấy hài lòng về quyết định của mình.
Theo ĐTCK
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,186.20 | 4,786.20 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,307.20 | 3,917.20 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
13,807.90 | 12,657.90 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,686.30 | 1,336.30 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 105
- Truy cập hôm nay: 4552
- Lượt truy cập: 8612211