Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đi ngang, song có nhiều mã cổ phiếu đã bị giảm giá từ 20% - 30%, làm cho giá trị vốn hóa (tính theo giá thị trường) của doanh nghiệp (DN) bị hạ xuống thấp, rẻ hơn nhiều nếu so với việc thành lập DN mới.
Chỉ bằng 65,5% giá trị sổ sách
Trong số hơn 550 mã cổ phiếu của các DN niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán, hiện có hàng loạt mã giá thị trường thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách. Ngoài ra, còn có hàng loạt mã khác giá thị trường thấp hơn giá trị nội tại của DN. Theo báo cáo tài chính, Công ty Chế biến Thủy sản An Giang (AGF), có vốn chủ sở hữu là 616 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 128 tỉ đồng (số tròn). Tổng số tiền vốn thuộc chủ sở hữu của DN ghi trên sổ sách tích lũy đến nay đem chia cho toàn bộ số lượng cổ phiếu đạt 48.000 đồng/cổ phiếu. Đó là chưa tính những tài sản giá trị tăng lên qua năm tháng, như: đất, bộ máy tổ chức, thương hiệu, kinh nghiệm... Thế nhưng trên thị trường ngày 6-7, giá cổ phiếu của AGF chỉ giao dịch 33.500 đồng, tức thấp hơn giá trị sổ sách tới 30%. Còn cổ phiếu của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), một DN bảo hiểm của TPHCM, vốn chủ sở hữu 2.282 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ 755 tỉ đồng. Trong phiên giao dịch gần đây nhất, cổ phiếu BMI có giá 19.800 đồng/cổ phiếu, tính ra giá trị vốn hóa DN này chỉ có 1.495 tỉ đồng, tức chỉ gần bằng 65,5% so với giá trị sổ sách. Hoặc các mã như: SAM, ANV... giá thị trường cũng thấp hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách.
Đại bộ phận các nhà quản trị và điều hành DN niêm yết thường chỉ chú tâm vào việc sản xuất kinh doanh, mà ít hiểu sâu về những trò ma mãnh trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, nhiều đơn vị tự bán rẻ một phần giá trị DN mà vẫn hàm ơn các tổ chức đầu tư.
|
Việc cổ phiếu hiện tại được thị trường định giá thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chính như: sức mua yếu, nhà đầu tư “lướt sóng” ít quan tâm đến giá trị thật của DN, ít quan tâm tới kỳ vọng tương lai, lợi nhuận không đạt mức mong đợi... Trước đây khi thị trường sôi động, nhà đầu tư tìm đến những cổ phiếu có giá trị nội tại cao, có thu nhập cao để mua, làm cho thị trường phản ánh tương đối đúng giá trị của cổ phiếu. Nhưng từ đầu năm đến nay, do thị trường ế ẩm, giá cổ phiếu thường chỉ lên xuống theo sự điều hành của các “đội lái” nên nó không còn phản ánh đúng giá trị nữa. Chỉ những cổ phiếu may mắn gặp “đội lái” điều khiển thì giá mới lên cao, còn không thì xuống thấp.
Thêm bị tổ chức... đè
Do dòng tiền đổ vào yếu nên giá cổ phiếu xuống thấp, DN khó huy động vốn qua kênh chứng khoán. Biết rõ điều đó nên nhiều tổ chức tài chính (có vốn dồi dào) luôn tìm cách đầu tư mua cổ phiếu giá rẻ để nắm DN mà không cần thành lập DN mới. Trước khi đàm phán mua trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu phát hành riêng lẻ, họ thường ép DN bán rẻ cho mình bằng nhiều phương kế. Nếu DN phát hành cho nhà đầu tư lớn thì họ được chiết khấu từ 15% - 20% so với giá bình quân thị trường trong khoảng 10 phiên liên tục. Trước thời điểm chốt giá, các tổ chức này thường đè giá cổ phiếu này xuống thấp. Như vậy, họ chẳng những mua được giá rẻ mà còn được chiết khấu thêm.
Đại bộ phận các nhà quản trị và điều hành DN niêm yết thường chỉ chú tâm vào việc sản xuất kinh doanh, ít hiểu sâu về những trò ma mãnh trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, nhiều đơn vị tự bán rẻ một phần giá trị DN mà vẫn hàm ơn các tổ chức đầu tư. Để tránh được điều này DN không nhất thiết phải phát hành nhiều cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ (với giá thấp hơn giá trị nội tại). Mỗi DN nên có một bộ phận chuyên nghiên cứu sâu về thị trường chứng khoán, về nghệ thuật làm giá cổ phiếu, để tránh bị các tổ chức tài chính đè giá mua rẻ, gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu.