Bán chứng khoán T+2: Vừa làm vừa… run
2010-03-25 09:31:41
Bán chứng khoán T+2: Vừa làm vừa… run
Việc UBCKNN cân nhắc cho phép nhà đầu tư thực hiện bán chứng khoán đã mua từ ngày làm việc thứ hai (T+2) đã đáp ứng nhu cầu tất yếu của đông đảo nhà đầu tư trên TTCK. Tuy nhiên, để phương thức này chính thức được triển khai là cả một chặng đường dài mà chưa biết khi nào mới kết thúc. Khó triển khai ngay Bản dự thảo về các phương án kỹ thuật để quản lý được hoạt động thanh toán đối với các chứng khoán giao dịch vào ngày T+2 về cơ bản đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) hoàn tất. Để đáp ứng lòng mong mỏi của NĐT, VSD đã triển khai một hệ thống mới cho phép theo dõi được chi tiết đến tài khoản của từng NĐT. Khi xây dựng phương án, VSD đặt ra những tiêu chí như: NĐT chỉ được phép bán T+2 đối với chứng khoán đã mua vào ngày T và đó phải là những chứng khoán có chu kỳ thanh toán là T+3; VSD có thể quản lý và đối chiếu được các số dư tài khoản đối với các hoạt động của CTCK khi thực hiện cho phép bán T+2; Việc thanh toán bù trừ vẫn đảm bảo thực hiện thanh toán T+3. Tuy nhiên, theo sự thừa nhận của ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng đăng ký Chứng khoán –VSD, T+2 tưởng chừng như đơn giản nhưng khi đi vào triển khai đưa ra các tình huống có thể diễn ra mới thấy bài toán T+2 quả thật không đơn giản chút nào. “Đối với hệ thống của VSD, chúng tôi có thể quản lý chi tiết đến từng tài khoản của NĐT thì mới có thể thực hiện được việc bán chứng khoán T+2. Tuy nhiên, những văn bản và chế độ tài khoản kế toán hiện tại cũng chưa đầy đủ để VSD có thể thực hiện được.” – ông Phạm Trung Minh thừa nhận. Để có thể triển khai giao dịch T+2 cần có sự liên kết chặt chẽ giữa VSD và các CTCK thành viên. Tuy nhiên, ông Minh cho biết cho đến thời điểm này VSD mới chỉ được biết đến ý kiến của 3 CTCK (SSI, TSC, BVSC – PV) và rõ ràng việc triển khai đại trà, hệ thống của VSD nếu không phải là hệ thống tự động sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của CTCK đó cũng như rủi ro cho thị trường trong hoạt động thanh toán nói chung. Hiện nay giữa VSD và các CTCK đang có 2 tài khoản sẵn có gọi là “tài khoản giao dịch” và “tài khoản chờ thanh toán”. Tài khoản giao dịch là tài khoản được hạch toán chứng khoán mua về của NĐT, còn tài khoản chờ thanh toán là tài khoản được hạch toán khi NĐT bán chứng khoán, có nghĩa chứng khoán ở tài khoản giao dịch sẽ được chuyển sang tài khoản chờ thanh toán để thực hiện phong tỏa. Cả hai tài khoản trên hiện đang có trong quy định tại chế độ kế toán của VSD. Khi đặt ra bài toán T+2, có nghĩa là chúng ta mua chứng khoán nhưng chứng khoán đó chưa được hạch toán “có” trên tài khoản chờ giao dịch (chứng khoán đang chờ nhập về). “Khi thực hiện bán chứng khoán T+2, tài khoản chờ nhập về này rõ ràng cần phải có cách thức để làm sao biết được chứng khoán bán đó là chứng khoán đang có hay chứng khoán chờ nhập về.” Theo lý giải của ông Minh, chẳng hạn hiện giờ tài khoản giao dịch của NĐT đang có 10.000 cổ phiếu A, và ngày hôm nay NĐT này đặt lệnh mua 5.000 cổ phiếu. Như vậy, vào ngày T+2, tài khoản của NĐT vẫn là 10.000 cổ phiếu thực và 5.000 cổ phiếu đang chờ nhập về. Nếu hôm sau NĐT đặt lệnh bán thì VSD sẽ lấy chứng khoán từ tài khoản giao dịch trừ xuống. Chẳng hạn NĐT đặt lệnh bán 12.000 cổ phiếu, VSD sẽ lấy 10.000 cổ phiếu thực trước, sau đó sẽ lấy 2.000 cổ phiếu đang chờ nhận về kia để đưa vào một tài khoản phong tỏa. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện CTCK Bảo Việt, quy định này sẽ ảnh hưởng đến bài toán bắt đầu được trừ từ số chứng khoán NĐT đang sở hữu, sau đó mới trừ đi số chứng khoán trên tài khoản chờ nhận về. Khi đặt ra bài toán đó sẽ rất khó khăn cho bộ phận kỹ thuật bởi khi ngày T+2 được thực hiện bán thì số dư chứng khoán khi đó không phải là 10.000 mà là 15.000 cổ phiếu, như vậy đó cũng là một tình huống VSD cần phải xem xét. Làm sao để kiểm soát số dư? Điều bắt buộc khi triển khai T+2 là cả VSD và các CTCK cần phải quản lý và đối chiếu được các số dư tài khoản. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến tỏ ra nghi ngờ về khả năng này bởi độ trễ của chứng từ. “Chúng tôi rất băn khoăn về vấn đề độ trễ của chứng từ, khi đối chiếu số dư của từng tài khoản có thể sẽ không trùng khớp. Hơn nữa, vấn đề thời gian các CTCK phải chính sửa phần mềm bao nhiêu, tôi nghĩ chắc cũng không nhanh.” – đại diện của CTCK Âu Việt cho hay. Trong khi đó, đại diện của CTCK Thăng Long cũng tỏ ý nghi ngại trong việc kiểm soát số dư chứng khoán trong tài khoản của NĐT. “Đối với CTCK, họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề thực hiện quyền và chu kỳ thanh toán. Vấn đề còn lại ở đây là làm sao để có thể kiểm soát số dư. Liệu tài khoản chờ thanh toán mà VSD đưa ra liệu có thực sự cần thiết hay không? Đối với giao dịch T+2, chúng ta sẽ phải xuất chứng khoán bán T+2 đi có nghĩa chúng ta phải có chứng khoán trong tài khoản để xuất ra. Đối với chu kỳ mua trước – bán sau thì tài khoản của NĐT luôn đảm bảo số dư, và một khi CTCK kiểm soát được số dư thì việc tách hay không tách tài khoản của NĐT cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều.” Còn đại diện của Citibank khuyến nghị, để thực hiện biện pháp T+2 một cách triệt để và không gây ảnh hưởng đến hoạt động của CTCK, VSD cần có sự hỗ trợ các CTCK trong việc giải quyết độ trễ chứng từ cũng như số dư chứng khoán. “Để thực hiện việc này cần phải có sự hướng dẫn về cách hạch toán với tất cả chứng khoán mua-bán trên hai tài khoản mới là tài khoản chờ nhận về và tài khoản phong tỏa chờ nhận về, để đảm bảo khi VSD bù trừ số dư thì số dư của tài khoản giữa VSD và CTCK phải khớp với nhau.” – ông Phạm Trung Minh cho biết. Sửa lỗi T+1 sẽ gây khó khăn cho CTCK Đại diện của CTCK Bảo Việt cho rằng cần có sự thay đổi về thời gian để hoàn thiện bộ hồ sơ sửa lỗi, đó là trường hợp về thực hiện hồ sư lưu ký và việc nhận chứng từ xác nhận từ VSD. Hai là bộ hồ sơ lưu ký bổ sung ngày thực hiện giao dịch đối với cổ phiếu niêm yết bổ sung. “Thông thường các CTCK được nhận sau hoặc được nhận chậm chứng từ sẽ dẫn đến việc chúng ta phải hạch toán hiệu chỉnh về ngày có hiệu lực trên chứng từ ghi sổ mà CTCK nhận được từ VSD.” Còn theo đại diện của CTCK Vincom, việc rút ngắn thời gian sửa lỗi xuống còn T+1 sẽ gây khó khăn cho CTCK. Thay vì việc rút ngắn thời gian sửa lỗi xuống còn T+1, VSD có thể vẫn để thời gian sửa lỗi là T+2 nhưng khi CTCK phát hiện có lỗi giao dịch sẽ lập tức báo lên VSD và tài khoản đó sẽ không được bán trong ngày T+2. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Minh cho rằng đây đúng là một vấn đề mà hệ thống hiện nay đang gặp phải, chứng từ lưu ký từ VSD có độ trễ nhất định so với cách hạch toán tại CTCK. Cách khắc phục hiện nay là hệ thống mới của VSD đã có cổng kết nối điện tử. Như vậy, CTCK không cần thiết nhận chứng từ do VSD xác nhận. Ví dụ, hôm nay là ngày đầu tiên chứng khoán về tài khoản, hệ thống của VSD sẽ tự động nhập chứng khoán vào tài khoản ngay trong buổi sáng, khi đó CTCK có thể nhìn thấy và hạch toán thẳng vào tài khoản của NĐT. “Tất nhiên ở đây cũng phải tính đến trường hợp không phải đối chiếu số dư, kết thúc phiên giao dịch VSD sẽ gửi xác nhận giao dịch đến CTCK. Khi có sự xác nhận, có nghĩa giao dịch đó đã thực hiện hợp lệ.” Đối với vấn đề sửa lỗi, ông Minh cho rằng cần phải nhìn nhận 2 vấn đề gồm: thông báo lỗi và khắc phục lỗi. Đối với việc thông báo lỗi, do yêu cầu bắt buộc phải báo lỗi trong ngày T+1 để VSD kịp thời phong tỏa tài khoản lỗi mà không cho phép bán T+2. Đối với việc khắc phục lỗi, hệ thống của VSD sẽ thực hiện sửa lỗi vào đầu giờ sáng ngày T+2. Nhìn nhận về những khó khăn trong việc triển khai bán chứng khoán T+2, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng, mối quan tâm lớn nhất của các CTCK là vấn đề kiểm soát số dư, thực tế việc kiểm soát số dư cũng chính là chức năng của hệ thống. Thế nhưng mới chỉ bàn đến việc làm cách nào để giảm bớt sự chênh lệch về số dư chứng khoán giữa CTCK và VSD đã thấy có vô vàn những trở ngại về kỹ thuật. Bên cạnh đó là những mối lo về độ trễ nhất định và việc sửa lỗi giao dịch của các CTCK. “Thực tế thị trường chứng khoán Đài Loan trước đây đã từng có thời gian giao dịch với thời gian T+2 nhưng sau đó phải quay về với T+3. Cho nên không phải vô cớ mà thế giới lấy T+3 làm chuẩn.” – bà Liên nhấn mạnh. Hiện nay T+2 đã đặt ra một loạt vấn đề mà nhiều CTCK thừa nhận rằng cần có xử lý về hệ thống phần mềm cũng như về cách thanh toán. Những vấn đề đặt ra nếu không xử lý sẽ dẫn đến không ít rủi ro cho thị trường. Chính vì vậy việc bàn đến T+2 tưởng chừng như đã chín muồi nhưng để phương thức giao dịch này thực sự đi vào thực tiễn thì rõ ràng cần có nhiều hơn những sự chuẩn bị, nhất là khi hầu hết các CTCK đều chưa sẵn sàng. |
Theo Info TV |
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,426.80 | 4,026.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
© 2011 Copyright By Ngoc Thanh NTGold. All Rights Reserved.
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 219
- Truy cập hôm nay: 6508
- Lượt truy cập: 8599490