Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Thuế thu nhập đối với trái phiếu chuyển đổi ở Việt Nam
2010-03-10 16:38:02

Việc các DN trong nước phát hành trái phiếu chuyển đổi không còn là chủ đề nóng hổi, do thị trường trái phiếu Việt Nam chứng kiến rất nhiều DN phát hành trái phiếu loại này nhằm huy động vốn.

Thậm chí, có những DN trong nước phát hành trái phiếu chuyển đổi ra nước ngoài, như CTCP Vincom mới đây đã phát hành trái phiếu cho các NĐT tại Singapore.

Đây được xem là một kênh huy động vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh của các DN Việt Nam.

Bài viết này đề cập đến vấn đề thuế thu nhập áp dụng đối với trái phiếu chuyển đổi, nhằm giúp các nhà phát hành và đầu tư trái phiếu chuyển đổi hiểu rõ hơn ảnh hưởng của thuế thu nhập đối với việc phát hành và đầu tư trái phiếu.

Trái phiếu chuyển đổi là gì?

Trái phiếu chuyển đổi là trái phiếu do DN phát hành. Không giống như trái phiếu thông thường, trái phiếu chuyển đổi cho NĐT cơ hội chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu của công ty.

Tương tự như những loại trái phiếu khác, trái phiếu chuyển đổi ghi rõ thời điểm đáo hạn và lãi trái phiếu. Tuy nhiên, trái phiếu chuyển đổi còn ghi rõ thông tin về quyền lựa chọn chuyển đổi hoặc số cổ phiếu mà NĐT trái phiếu sẽ nhận được khi chuyển đổi trái phiếu.

Ví dụ: một trái phiếu chuyển đổi có mệnh giá bán ra là 1 triệu đồng. Trái phiếu này có lãi suất thường niên 7% và có thể chuyển thành 100 cổ phiếu tại bất kỳ thời điểm nào. Hàng năm, người nắm giữ trái phiếu sẽ nhận được 70.000 đồng lãi trái phiếu khi chưa chuyển đổi trái phiếu đó thành cổ phiếu.

Nếu chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, họ sẽ không còn được hưởng lãi trái phiếu hàng năm nữa và giá trị của khoản đầu tư vào trái phiếu đó sẽ biến động theo giá trị cổ phiếu của công ty.

Dựa trên số lượng cổ phiếu nhận được khi chuyển đổi trái phiếu và giá trị của trái phiếu, chúng ta có thể tính được giá mua thực tế của cổ phiếu.

Theo ví dụ trên thì giá thực tế mà người nắm giữ trái phiếu trả cho cổ phiếu là giá đã thanh toán cho trái phiếu chuyển đổi chia cho số lượng cổ phiếu nhận được từ việc chuyển đổi, có nghĩa là 10.000 đồng (tương đương với mệnh giá trái phiếu 1.000.000 đồng chia cho 100 cổ phiếu nhận được).

Người nắm giữ trái phiếu sẽ chỉ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu nếu giá hiện hành của cổ phiếu cao hơn 10.000 đồng - là giá mua thực tế của cổ phiếu.

Chẳng hạn, nếu giá cổ phiếu tăng lên 20.000 đồng, NĐT thực hiện chuyển đổi và nhận được 100 cổ phiếu, giá trị thị trường của toàn bộ số cổ phiếu sẽ là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu xuống dưới mức 10.000 đồng thì NĐT sẽ tiếp tục giữ trái phiếu và nhận lãi trái phiếu thường niên, vì nếu chuyển đổi, giá thị trường của số cổ phiếu sẽ thấp hơn 1 triệu đồng.

Thuế đối với trái phiếu chuyển đổi

Câu hỏi về thuế đầu tiên mà DN phát hành trái phiếu thường đặt ra là liệu lãi trái phiếu (như ví dụ trên là 70.000 đồng) có được khấu trừ thuế thu nhập DN hay không?

Điều 6.3 Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006 nêu rõ: “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành”. Trái phiếu chuyển đổi đáp ứng được quy định này.

Do vậy, tiền lãi trái phiếu phải trả của DN phát hành về bản chất là tương tự như việc thanh toán lãi tiền vay và do đó sẽ được khấu trừ thuế (tất nhiên, cần phải thỏa mãn các điều kiện về lãi tiền vay nêu trong Thông tư 130/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26/12/2009 về thuế thu nhập DN, chẳng hạn như điều kiện không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản).

Thuế đối với NĐT trái phiếu

Việc thuế áp dụng đối với NĐT trái phiếu chuyển đổi sẽ phụ thuộc vào NĐT đó là tổ chức hay cá nhân cư trú hoặc không cư trú.

Các DN trong nước sẽ hạch toán lãi trái phiếu là thu nhập khác và trả thuế thu nhập DN đối với phần thu nhập đó theo thuế suất 25%. Tuy nhiên, các DN nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế thu nhập DN ở mức 10% theo quy định tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 31/12/2008 về thuế nhà thầu.

Mặc dù vậy, nếu như Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần có quy định khác đi và có lợi hơn, các DN này có thể áp dụng các điều khoản của Hiệp định và thông báo cho bên Việt Nam về việc miễn, giảm thuế theo Hiệp định tại Việt Nam.

Các cá nhân cư trú và không cư trú đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 5% như quy định tại Thông tư 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 30/9/2008 về thuế thu nhập cá nhân.

Thuế áp dụng khi chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi

Khi NĐT trái phiếu chuyển đổi thực hiện bán hoặc chuyển nhượng trái phiếu, thuế thu nhập sẽ được áp dụng như sau:

Đối với những DN nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, mức thuế thu nhập DN áp dụng 2% sẽ đánh trên doanh thu nhận được từ việc bán trái phiếu chuyển đổi (bao gồm cả mệnh giá ghi trên trái phiếu và lãi trái phiếu vào ngày nhận được lãi trái phiếu).

Đối với những DN trong nước, thu nhập từ việc bán trái phiếu chuyển đổi sẽ được ghi nhận là thu nhập khác và bị đánh thuế theo thuế suất là 25%. Thu nhập chịu thuế từ việc bán trái phiếu chuyển đổi theo quy định tại Phần E Thông tư 130/2008/TT-BTC về thuế thu nhập DN là giá bán trừ giá mua và trừ đi các chi phí liên quan.

Đối với các cá nhân cư trú và không cư trú, giá trị chuyển nhượng/bán sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân 0,1% theo quy định về thuế thu nhập cá nhân. Đối tượng cá nhân cư trú có thể lựa chọn phương pháp nộp thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế, được tính dựa trên giá bán trừ giá mua và trừ các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng.

Lưu ý rằng, những cá nhân cư trú này phải hoàn tất các thủ tục đăng ký phương pháp nộp thuế trên với cơ quan thuế địa phương. Tuy nhiên, những cá nhân này vẫn phải tạm thời nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 0,1% trên giá chuyển nhượng theo từng giao dịch và cuối năm sẽ thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

Khi các đối tượng không cư trú thực hiện chuyển nhượng trái phiếu tại TTCK nước ngoài sẽ không phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam. Công văn của một số cục thuế địa phương và của Bộ Tài chính cũng đã khẳng định là không đánh thuế đối với những chuyển nhượng thực hiện ngoài Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, cơ sở để Việt Nam không đánh thuế đối với giao dịch chuyển nhượng trái phiếu ở nước ngoài là dựa trên các quy định của Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký.

Do vậy, đối với những nước không có Hiệp định Tránh đánh thuế với Việt Nam thì vẫn có những rủi ro về thuế. NĐT tại những nước này cần tìm hiểu và xác nhận thêm với Bộ Tài chính Việt Nam để tránh những nghĩa vụ về thuế không đáng có.

Thuế áp dụng đối với việc chuyển đổi trái phiếu

Luật thuế hiện hành của Việt Nam không quy định cụ thể về thuế áp dụng đối với việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, việc đánh thuế thu nhập khi chuyển trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu. Tuy nhiên, theo quy định chung, nếu có thu nhập phát sinh thì sẽ phải chịu thuế thu nhập.

Khi chuyển đổi, DN không phải trả lãi trái phiếu cho NĐT và do vậy không có chi phí khấu trừ thuế thu nhập DN.

Nói tóm lại, luật thuế Việt Nam đang dần hoàn thiện để bắt kịp những thay đổi trên thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Như đã đề cập, bài viết này nhằm đưa ra một số ý kiến cá nhân về ảnh hưởng của thuế thu nhập đối với trái phiếu chuyển đổi, giúp DN phát hành và NĐT hiểu rõ hơn những ảnh hưởng của thuế tại Việt Nam, từ đó có những quyết định kinh doanh hoặc đầu tư một cách hợp lý hơn.

Theo Nguyễn Trung Thành
ĐTCK




Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,333.504,913.50
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,426.804,026.80
100g ABC Bullion Bar
14,205.6012,905.60
1kg ABC Bullion Silver
1,728.401,378.40
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 306
  • Truy cập hôm nay: 5302
  • Lượt truy cập: 8598284