Thời gian qua, cái tên Quách Mạnh Hào khá nổi trong giới đầu tư chứng khoán với những phân tích sắc sảo và một góc nhìn rất riêng.
Đảm nhận chức danh Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long, phụ trách trực tiếp mảng phân tích, Quách Mạnh Hào càng có cơ hội phát huy hết những gì được cho là sở trường, sở đoản.
Với một thị trường còn nặng về tâm lý đám đông như thị trường chứng khoán Việt Nam thì những phân tích, nhận định và dự đoán có vẻ trái chiều và “lạc lõng” của Quách Mạnh Hào tưởng rằng sẽ bị nhấn chìm trong những sự phấn khích hoặc hoảng loạn thái quá của số đông nhà đầu tư khi thị trường lên cơn sốt nóng lạnh. Tuy nhiên, chính những nhận định đó đã giúp không ít người đầu tư cứu được bàn thua trông thấy hoặc trúng quả đậm.
Quách Mạnh Hào cho rằng, việc kết luận thị trường lên hay xuống trong từng thời điểm cụ thể cũng không khác việc tung đồng xu là mấy và nhiệm vụ của người phân tích là tính toán được xu hướng rơi của đồng xu để giúp cho mình có được một dự báo tốt. Tư vấn chứng khoán vốn được xem như một liều thuốc đắng, dùng để giúp nhà đầu tư cắt lỗ khi thị trường lao dốc và “bán non” khi thị trường đang lên. Vì vậy, chút hài hước, dí dỏm sẽ giống như một lớp đường bọc ngoài giúp nhà đầu tư cảm thấy dễ nuốt hơn.
Quách Mạnh Hào cũng cho rằng vấn đề của thị trường chứng khoán là tâm lý và dòng tiền. Chỉ số niềm tin nhà đầu tư theo tính toán của Thăng Long đã sụt giảm mạnh trong hai tháng 10, 11 và tháng 12 nằm ở mức thấp tương đương với đầu năm 2009 và tháng 7/2009. Nhưng điều quan trọng là chỉ số này đã dừng giảm, nghĩa là tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại. Còn về dòng tiền, nhà đầu tư quan tâm tới hai vấn đề: công thức tạo tiền từ các hoạt động đòn bẩy và vấn đề tăng trưởng tín dụng đã đạt 33% cao hơn mức mục tiêu.
Sau một năm lặng lẽ “ở ẩn” tại Mỹ, từ đầu năm 2009, Quách Mạnh Hào đã quay trở lại thị trường với mô hình và Tạp chí Nhà đầu tư (The Investor Journal), đi kèm với đó là bản tin hàng ngày My Technical View – MTV với cùng một phương pháp tiếp cận định lượng. Quách Mạnh Hào cho rằng, để giữ được uy tín và sự tin cậy của nhà đầu tư thì nhà tư vấn phải cung cấp thông tin một cách có lý chứ không phải là một sự nói bừa.
Những khách hàng khi nhận bản tin hàng ngày của ông, họ chờ đợi điều gì?
Thực ra những khách hàng và người bạn nhận bản tin của tôi, thông thường đều là những người có kiến thức và có thông tin. Nhưng điều họ mong muốn ở đây là nhận về những tiếp cận khác, nghĩa là cùng một sự kiện giúp họ có cái nhìn khác.
Nhiều khách hàng nói với tôi rằng, việc nhận định đúng hay sai không quan trọng bằng việc cùng một sự kiện có cái nhìn đa chiều. Và họ nói tôi có cách nhìn hơi lạ. Đó là điều thú vị nhất và cũng làm tôi vui nhất.
Trong số nhà đầu tư muốn xin tư vấn từ ông, có bao nhiêu người đã thành công? Bao nhiêu người thất bại?
Vì không có điều tra cụ thể, nên tôi không biết được chính xác, nhưng có thể có hai khía cạnh để đánh giá sự thành công hay thất bại này. Bản thân tôi khi nhận định thì cũng có cả đúng và sai. Những cái đúng, trong năm 2009, thường gắn liền với thị trường đi lên và những cái sai, gắn liền với thị trường đi xuống. Nói theo cách của nhà đầu tư thì là thường “ra đúng đỉnh nhưng vào sớm so với đáy”.
Và vì thế, các phản hồi của nhà đầu tư cũng xoay quanh như vậy. Nhiều nhà đầu tư viết e-mail cảm ơn tôi về những nhận định đã giúp họ kiếm được tiền, họ gọi điện thoại mời đi uống café, uống bia... Nhưng khi thị trường đi xuống thì những lời mời như vậy cũng ít hơn.
Các nhà đầu tư thường hỏi ông câu gì nhất?
Các bà các cô thường hay hỏi tôi về xu hướng thị trường: hôm nay lên hay xuống? Nhưng các anh các chú thường có những quan tâm cụ thể hơn như: mua gì bán gì, mức giá nào, vào ra ra sao?
Tôi cũng hiểu rằng, họ hỏi như vậy là để có thêm thông tin để tự quyết định, nên khi trả lời tôi luôn cố gắng đưa ra những nhận định ở một mức độ hợp lý và khách quan, không mang tính thuyết phục. Có những lúc tôi nhận được e-mail của nhà đầu tư có sự hiểu biết rất sâu về lĩnh vực bất động sản, mấy tuần liền, chị ấy phân tích và chia sẻ với tôi về vấn đề này và tôi đã học được rất nhiều từ chị ấy.
Ông nghĩ cái khó nhất của tư vấn chứng khoán là gì?
Theo tôi, đó là phải kết hợp được tính chính xác của dự báo và sự hiểu biết chuyên môn. Thường thị trường sẽ quan tâm tới việc đúng sai đầu tiên.
Nếu ngẫm lại thì ông đã đáp ứng được những yêu cầu của nghề tư vấn chưa?
Trong tất cả nghiên cứu và nhận định của mình, tôi đều dựa trên sự nghiên cứu sâu và nghiêm túc chứ không võ đoán, nên về khía cạnh chuyên môn, tôi nghĩ là tôi đang cố gắng để làm tốt. Tuy nhiên, do thời gian tập trung chưa nhiều, nên cá nhân tôi thấy chưa đạt được như kỳ vọng.
Về tính chính xác, bản thân tôi cũng không cảm thấy hài lòng nhiều, mức độ chính xác như mình mong muốn thì chưa đạt được, đó là lý do mà tôi luôn trăn trở với mô hình của mình và sẽ phải hoàn thiện nhiều hơn.
Chứng khoán là một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam. Nghề tư vấn chứng khoán càng mới hơn. Ông đánh giá thế nào về đội ngũ tư vấn chứng khoán hiện nay?
Tiếp xúc nhiều với các bạn tư vấn chứng khoán, tôi thấy các bạn khá nhanh nhẹn, cảm nhận thị trường khá tốt. Tôi đánh giá cao về xác suất dự báo thị trường đúng của đội ngũ này. Nhưng ở khía cạnh chuyên môn, tôi nghĩ rằng cần có một sự cải thiện bởi những phân tích của các bạn đó dựa khá nhiều vào những tin tức nội gián, những phân tích kỹ thuật và thêm chút tự tin thái quá.
Đây cũng là đặc trưng của nhóm tư vấn trẻ về dự báo tính chính xác thị trường. Dưới góc độ của người làm chuyên môn, theo tôi những điều đó chưa đủ. Các nhà đầu tư kinh nghiệm và tổ chức thường cần nhiều hơn những lập luận cơ bản hợp lý, xuất phát từ thực trạng nền kinh tế, doanh nghiệp, khả năng xử lý về dòng tiền, giá trị, có khả năng đưa ra các kịch bản cho các xu hướng phát triển, mặc dù đúng là cuối cùng thì những điều này cũng chỉ phục vụ cho việc xác định xu thế thị trường.
Nhưng theo tôi, các nhà đầu tư tổ chức, đôi khi không quan tâm nhiều về sự lên xuống của thị trường mà là các nguyên nhân dẫn đến sự lên xuống đó.
Một người bạn của tôi làm cho một hãng truyền thông tài chính lớn nhất thế giới trong một buổi uống bia với tôi đã nói thế này: “Hào ạ, tôi thấy người Việt Nam quả thật là rất liều vì dám nhận định thị trường tăng giảm bao nhiêu điểm. Như bọn tôi cũng không bao giờ làm điều đó mà chỉ bình luận giúp nhà đầu tư nhìn thị trường sâu hơn”.
Theo ông thì tại sao nhà đầu tư lại bị ảnh hưởng nhiều bởi các khuyến nghị của các tổ chức tài chính nước ngoài, trong khi các công ty chứng khoán trong nước có nhiều lợi thế hơn?
Bởi họ thường tin rằng các tổ chức nước ngoài có kiến thức và kinh nghiệm tốt hơn. Nhưng theo tôi, các nhà đầu tư nên tập cho mình một thói quen nghi ngờ tất cả và tin vào chính mình. Tôi có thể khẳng định rằng, hầu hết những nhận định công khai thường không phản ánh chính xác quan điểm thật của những người đưa ra nhận định. Tuy nhiên, ngay cả những nhận định thật của họ cũng không hẳn là chính xác.
Do vậy, điều tôi có thể chia sẻ với bạn là bạn hãy xem kỹ các lập luận để xem lập luận nào là có lý, lập luận nào là không. Còn việc kết luận thị trường lên hay xuống trong từng thời điểm cụ thể tôi nghĩ cũng không khác việc tung đồng xu là mấy.
Cảm nhận của ông về thị trường chứng khoán 2009 và 2010 thế nào?
Điểm nổi bật nhất của năm 2009 là sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong khi kinh tế khó khăn. Điều đó chứng minh rằng, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn không phải dựa trên yếu tố cơ bản của nền kinh tế mà dựa trên niềm tin của nhà đầu tư và trong tay họ có dòng tiền. Đầu họ nghĩ và tay họ có tiền.
Năm 2010, kinh tế tốt hơn 2009 nhưng thị trường chứng khoán sẽ không tốt bằng vì năm 2010 dòng tiền sẽ bị kiểm soát, nó không tốt ở tỷ lệ tăng trưởng.
Đặc trưng chung của thị trường so với trước đây là chúng ta trải qua khủng hoảng. Theo quan điểm của tôi, khủng hoảng bao giờ cũng là cơ hội, song cơ hội kiếm tiền tốt nhất có lẽ đã xảy ra trong năm 2009, và năm 2010 quay về quỹ đạo tăng trưởng bình thường và quỹ đạo tăng trưởng bình thường đó chắc chắn sẽ không còn được hỗ trợ bởi tín dụng lỏng lẻo như giai đoạn 2004 - 2007.
Cũng chính vì điều này mà tôi kỳ vọng thị trường tăng trưởng bền vững, chứ không phải là tăng nhanh giảm nhanh và tăng cao giảm sâu như hiện nay.
Trong các bản tin hàng ngày trong tháng 11, ông nhắc nhiều đến công thức tạo tiền. Và bây giờ, công thức tạo tiền đó ra sao?
Công thức tạo tiền thay đổi theo thời gian với những biến số thay đổi, gồm: tỷ lệ cho vay, các vấn đề liên quan đến cho vay chứng khoán cầm cố, vấn đề T+ và các vấn đề vĩ mô liên quan đến cung tiền, tăng trưởng tín dụng...
Tất cả những điều đó, khi đưa vào cân nhắc, nó tạo ra cái gọi là công thức tạo tiền. Mặt trái của công thức tạo tiền, tôi gọi là công thức tạo tiền ngược, tức là khi các biến đó được thổi lên quá mức, các nút gỡ theo chiều ngược lại sẽ làm nó xẹp đi. Nói một cách ngắn gọn, công thức tạo tiền sẽ làm cho thị trường lên và công thức tạo tiền ngược sẽ làm thị trường xuống.
Khi công thức tạo tiền đã đưa quá nhiều tiền vào thị trường chứng khoán và trong khi tiền thực không có nhiều, điều đó có nghĩa là tiền đầu tư trên thị trường là quá nhiều so với lượng tiền tiết kiệm của nhà đầu tư, và tạo ra sự tăng trưởng của thị trường.
Khi công thức tạo tiền “ngược” xuất hiện, nói cách khác dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ được co hẹp lại thành dòng tiền tiết kiệm và ngược lại, làm thị trường sụt giảm và sau sự sụt giảm đó sẽ xuất hiện chu kỳ mới cho công thức tạo tiền.
Theo quan sát của tôi, hiện nay, thời điểm giữa tháng 12 dòng tiền đã trở về với dòng tiền tiết kiệm. Những công thức đưa ra cho thấy rằng, từ giữa tháng 10/2009, các công thức tạo tiền cho thấy dòng tiền đã giảm và đang giảm mạnh xuống mức gần với mức tương ứng với thời điểm giữa tháng 7/2009.
Riêng tôi, đã rất kỳ vọng rằng đến giữa tháng 12 dòng tiền sẽ giảm mạnh nhất, để bắt đầu một chu kỳ mới của công thức tạo tiền, lúc đó sẽ là tiền thực tế, các vấn đề giải chấp, bán tháo, sợ hãi sẽ hết. Khi dùng tiền thật, thị trường có thể chưa lên ngay, nhưng rục rịch đi lên. Nhiều người sẽ mua vào dần chứng khoán tốt bằng tiền tiết kiệm. Sau khi cảm thấy ổn thì họ sẽ vay dần, vay dần và lúc đó công thức tạo tiền bung dần ra và tạo sóng mới.
Sóng mới xong lại sụp đổ, đi xuống và lại quay về dòng tiền tiết kiệm, và cứ thế, một chu kỳ mới lại bắt đầu.
Theo Lan Hương
VnEconomy
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,426.80 | 4,026.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 153
- Truy cập hôm nay: 3821
- Lượt truy cập: 8596803