Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

'Quy định chặt hơn để tránh thu hồi đất tùy tiện'
2013-03-01 08:43:05

Trao đổi với báo chí sáng 28/2, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định.
 

- Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có đưa quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Vậy, dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ thể chế hóa điều này như thế nào?

- Cái trao cho người sử dụng đất là quyền sử dụng chứ không phải quyền tài sản đầy đủ. Cho nên quyền tài sản ở đây dưới góc độ là quyền sử dụng đất, đã được quy đinh rõ trong Luật Đất đai 2003 và lần này cụ thể hơn. Luật sẽ quy định quyền được làm gì đồng thời kèm những quy định về điều kiện để thực hiện quyền đó.

Ở một số loại đất thì quyền này gần như tương đương với quyền sở hữu nhưng bên cạnh đó là phải kèm theo các điều kiện để thực hiện. Tôi ví dụ, đất nhà nước thực hiện chính sách giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thì cũng phải một thời gian bao lâu mới được thực hiện quyền đấy chứ nếu không cấp rồi để bán thì không được. Luật dự kiến là 10 năm mới được chuyển nhượng.

'Quy định chặt hơn để tránh thu hồi đất tùy tiện' (1)
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Mục tiêu sửa luật là nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện thu hồi đất. Vận dụng của ban soạn thảo vào sửa đổi được cụ thể hóa ra sao?

- Để khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan trong thời gian vừa qua thì kể cả trong nghị quyết trung ương lẫn thể chế hóa trong luật thì chúng ta thực hiện chủ yếu theo cơ chế nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch và đặc biệt sử dụng kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Trước đây, thẩm quyền thuộc UBND nhưng nay phải thông qua HĐND, nhất là các dự án kinh tế. Bước tiến ở đây là có sự giám sát của HĐND, lập kế hoạch hàng năm và kế hoạch đó phải có cơ quan quyền lực là HĐND xem xét, tránh chuyện thu hồi tràn lan.

Thứ hai, nhà đầu tư, không phải ai lập dự án cũng làm được mà phải có một số điều kiện, phải có năng lực tài chính (phải thông qua kiểm toán) và phải ký quỹ. Ngoài ra, các dự án trước đó của nhà đầu tư đã triển khai phải thực hiện đúng quy định pháp luật chứ nếu có dự án trước đó chậm triển khai, bỏ hoang thì không giao dự án mới nữa. Như vậy, kể cả nhà nước và chủ đầu tư đều có những quy định chặt hơn để sử dụng đất hiệu quả hơn, tránh thu hồi tùy tiện.

Riêng đối với đất lúa, đất rừng thì phải báo cáo Thủ tướng trước khi chấp nhận đầu tư. Nhà đầu tư phải có phương án bóc lớp đất mặt, phương án để nhà nước khai hoang phục hóa nơi khác để bù lại. Khi nhà đầu tư vào đó phải cân nhắc sử dụng đất lúa hay đất đồi, chi phí lớn quá thì anh sẽ không làm nữa.

- Người dân một số dự án yêu cầu không nhận bồi thường bằng tiền mà bằng đất trong khi chính quyền bảo không có đất để bồi thường, Luật sẽ xử lý như thế nào?

- Nếu không có đất thì phải bồi thường bằng tiền tương đương với tiền đất. Tôi thu hồi đất nào bồi thường ông đất đó, thu hồi đất theo mục đích sử dụng, không phải bồi thường đất theo quy hoạch. Ví dụ thu đất nông nghiệp thì bồi thường đất nông nghiệp chứ không phải đất chung cư.

Thực ra, một số nơi, cái người dân đòi là đòi đất dịch vụ, cấp suất đất để bố trí sản xuất kinh doanh nhưng thực tế rất khó. Vì cấp cho người này thì phải thu đất của người khác. Ở Hà Nội, nhất là vùng Hà Tây cũ đang nợ rất nhiều. Người dân đòi đất dịch vụ, xử lý rất khó. Chính vì vậy, phải điều chỉnh Nghị định 69, trả bằng tiền nhưng phải làm sao ổn định cuộc sống cho người dân.

Còn trong luật lần này, không chỉ có hình thức thu hồi đất mà chúng tôi muốn còn có các hình thức khác như cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Luật đất đai chưa quy định nhưng có thể sau này quy định bằng công cụ thuế. Ví dụ, đất bán cho người khác để sản xuất công nghiệp thì thuế phải cao nhưng nếu cho sản xuất nông nghiệp thì thuế thấp, khuyến khích cho thuê. Nhà nước khuyến khích không chỉ có chuyển nhượng. Ví dụ như ở Sơn La, người dân góp vốn trồng cây cao su rất tốt. Ta phải tiếp tục ban hành chính sách cho người dân an tâm.

'Quy định chặt hơn để tránh thu hồi đất tùy tiện' (2)
Việc thu hồi đất sẽ được quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với các dự án kinh tế. Ảnh người dân Văn Giang (Hưng Yên) đứng ở khu đất bị thu hồi: Nguyễn Hưng.

- Thực tế trên cả nước số lượng các dự án treo nhiều, thu hồi khó. Luật sửa đổi xử lý vấn đề này như thế nào?

- Thu hồi đất dự án treo, dự thảo luật đã có chế tài. Lần này xác định rõ dự án chỉ có chủ trương đầu tư không thôi chưa giao thuê đất mà sau 3 năm không thực hiện thì đương nhiên hủy bỏ.

Còn với dự án giao thuê rồi thì chia ra hai trường hợp, dự án chưa triển khai thì được 12 tháng là thu; nếu triển khai rồi thì cho tới 24 tháng. Và gia hạn chỉ một lần, tối đa chỉ 12 tháng. Trước đây không quy định gia hạn bao nhiêu. Nếu chủ đầu tư quá thời hạn đó thì nhà nước thu hồi và không có chuyện bồi hoàn. Nếu nhà đầu tư thấy không làm được mà trả trước thời hạn gia hạn thì nhà nước sẽ có phương án thanh toán sòng phẳng. Còn nếu ông cứ cố tình chây ỳ, cố tình giữ dự án thì bắt buộc phải thu hồi.

Lần này chúng ta tăng cường giám sát, trước đây ta chỉ kiểm tra thanh tra, đột xuất. Giám sát cả quá trình từ khi bắt đầu triển khai đến khi kết thúc dự án. Chủ đầu tư phải thường xuyên có báo cáo qua trình thực hiện dự án như thế nào.

Để xử lý thực trạng hiện nay, Bộ đã làm việc với các địa phương. Với dự án chỉ có chủ trương đầu tư không thôi thì rà soát, nếu thực sự không thể triển khai thì công bố hủy bỏ. Nếu đã triển khai quá thời hạn thì phải thu hồi nếu không có lý do. TP HCM đã đưa ra tiêu chí rồi và hiện Hà Nội cũng đang xin ý kiến Bộ về các tiêu chí thu hồi.

- Người dân quan tâm tới vấn đề định giá đất trong luật sửa đổi. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, để xác định giá khách quan thì nên đấu giá đất, quan điểm của Bộ thế nào?

- Về định giá đất, trung ương thảo luận rất nhiều và đã có Nghị quyết 19. Câu đầu tiên là “nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước”. Tại sao đặt vấn đề này ra? Vì có nhiều ý kiến là theo giá thị trường nhưng chúng ta biết là thị trường không ổn định, tính chất thị trường ngầm tương đối nhiều. Vì vậy, phải xác định đâu là thị trường thật và ở thời điểm này phải có sự quản lý của nhà nước.

Nếu cứ theo nguyên tắc như một số người nói là theo thị trường có vô lý không khi giá đất của chúng ta ở một số nơi giá đất đắt tương đương Tokyo (Nhật Bản), các nước khác trong khi mặt bằng thu nhập của chúng ta còn thấp? Nhưng nói như thế không phải là nhà nước làm theo kiểu cũ mà nhà nước xác định giá đất trên các phương pháp mà các nước trên thế giới đang làm. Bốn nguyên tắc nêu trong luật là bốn nguyên tắc phổ biến các nước đang làm. Đối với Việt Nam thì phải từng bước thực hiện chứ nếu không rất khó.

Với giá đất cần nhìn cả hai vấn đề, không chỉ với người bồi thường sử dụng đất mà cái chính là nghĩa vụ tài chính với người sử dụng đất cũng rất quan trọng. Thực tế người bồi thường chiếm tỷ lệ ít còn số người phải thực hiện nghĩa vụ tài chính rất lớn. Nếu đưa giá đất cao thì nghĩa vụ tài chính cao và đến mức độ nào đó rất khó thực hiện.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 14 chương, 206 điều, tăng 7 chương và 60 điều so với luật năm 2003. Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến người dân kéo dài đến hết tháng 3 và dự thảo luật phải được hoàn thiện và gửi Thường vụ Quốc hội trước 10/5.


Theo Nguyễn Hưng
Vnexpress

http://cafef.vn/chinh-sach-quy-hoach/quy-dinh-chat-hon-de-tranh-thu-hoi-dat-tuy-tien-20130228060717513ca44.chn





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,333.504,913.50
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,426.804,026.80
100g ABC Bullion Bar
14,205.6012,905.60
1kg ABC Bullion Silver
1,728.401,378.40
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 165
  • Truy cập hôm nay: 6635
  • Lượt truy cập: 8599617