Là người đứng đầu Sở TN&MT, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng quy hoạch sử dụng đất còn lãng phí như hiện nay?
Theo tinh thần nghị quyết trung ương 4 chúng tôi cũng đề cập và ghi nhận một số yếu kém. Ví dụ trong quy hoạch sử dụng đất tính khả thi chưa cao. Bên cạnh đó triển khai một số nội dung còn chậm. Thứ nữa việc chọn đầu tư để thực hiện dự án còn rơi vào nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực. Bên cạnh đó khâu hậu kiểm cũng chưa được quyết liệt.
Chúng tôi đã rút kinh nghiệm về vấn đề này và đã trình Bộ TN&MT để trình Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 – 2020 trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, đồng thời tham mưu cho thành phố một số chính sách để sửa đổi. Chẳng hạn việc chọn chủ đầu tư phải là những đơn vị có năng lực về tổ chức thực hiện, đặc biệt năng lực về tài chính. Hay phải tăng cường hậu kiểm xem dự án có đúng tiến độ, mục đích hay không.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Vũ Văn Hậu chia sẻ với báo chí ngày 3/12. Ảnh LD |
Một vấn đề khác nữa là phải có chính sách tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư để việc triển khai dự án của họ đạt hiệu quả cao hơn. Khi khó khăn đã được tháo gỡ mà không chịu khắc phục, nhất là những đơn vị đã bị xử lý về hành chính thì chúng tôi dứt khoát trình thành phố thu hồi dự án, hoặc giao làm những công trình công cộng đang gây bức xúc nhiều trên địa bàn thành phố hiện nay.
Ông cho rằng việc lãng phí có nguyên nhân do năng lực của chủ đầu tư yếu kém. Nhưng thực tế nhiều dự án đều do những Tổng công ty, Tập đoàn lớn của nhà nước đảm nhiệm, nhưng tại sao vẫn xảy ra những bất cập trong quản lý sử dụng đất?
Thực tế này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách liên quan đến luật đất đai, luật đầu tư xây dựng… Đặc biệt hiện chúng ta đang giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính, nhưng năng lực tài chính thì các quy định hiện nay chưa hoàn toàn chặt chẽ nên việc kiểm soát năng lực tài chính còn hạn chế. Chỉ với một tài sản nhất định nào đó, nhưng họ làm bao nhiêu dự án trên địa bàn cả nước chúng ta chưa thể kiểm soát được.
Theo ông trong thời gian tới sẽ phải kiểm soát năng lực tài chính của chủ đầu tư bằng cách nào? Chỉ có vài tỷ đồng nhưng DN lại tham gia hàng chục dự án thì chúng ta sẽ ngăn chặn bằng ra sao?
Hiện giải pháp duy nhất là thông qua quá trình triển khai thực hiện của chủ đầu tư. Còn “kênh” kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán độc lập rất quan trọng, nhưng triển khai làm tất cả các đơn vị trên phạm vi cả nước thì chưa thể làm ngay được. Để ngăn chặn tình trạng này phải thực hiện kiểm toán độc lập điển hình một số trường hợp củ thể, nếu làm đồng loạt trên cả nước thì e rằng khó khả thi.
Hà Nội tiếp tục thu hồi những dự án chậm tiến độ. Ảnh minh họa |
Nhưng năm nào thành phố cũng có Hội đồng giám sát, tại sao lại có tình trạng giao đất quá dễ dàng như vậy?
Cũng không hẳn vậy đâu. Tôi cho rằng việc khuyến khích đầu tư rất cần thiết. Nếu cứ theo quy hoạch được duyệt thì không lý gì ngành TN&MT lại không giao đất cho người ta. Còn những dự án chậm triển khai, trong quá trình điều tra năng lực tài chính sẽ phải khắc phục dần. Chúng ta phải thấy được khó khăn của DN. Nếu cứ thấy chậm triển khai mà thu hồi cũng không hợp lý.
Nhiều DN phản ánh họ đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn để có được dự án. Vì thế họ không còn tiền để triển khai, dẫn đến lãng phí về đất đai. Ông nhận định gì về vấn đề này?
Nếu có thực tế đó thì sai sót lại do chính DN. Anh biết được khả năng tài chính của mình mà vẫn cố lao vào thì trước tiên DN phải tự trách mình chứ không phải trách nhà nước. Những chi phí không chính thức tôi không biết rõ, còn chi phí chính thức như giá đất, GPMB thì đã có giá cụ thể rồi. Làm gì có khái niệm chi phí quá lớn. Xảy ra như vậy có thể do DN quá yếu, vì nhiều DN khác vẫn triển khai bình thường, có sao đâu.
Qua thanh tra một số dự án ở Khu đô thị Linh Đàm, Văn quán, có xảy ra tình trạng giao đất xây các công trình công cộng nhưng lại bị biến thành sân tennis, nhà ở… Hà Nội sẽ xử lý thực trạng này như thế nào?
Sở TN&MT đã kết hợp với một số đơn vị kiểm tra hàng loạt các dự án đang triển khai. Không phải họ biến thành sân tennis, nhưng có trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng. Thành phố đã kiểm tra, nhưng khâu hậu kiểm thì làm chưa tốt. Khi cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân mới phát hiện ra sai thiết kế, quy hoạch.
Những lô đất không có mục đích rõ nhưng trong quy hoạch đã rõ thì một số chủ đầu tư thường quam tâm đến những công trình để họ hoàn vốn nhanh. Còn những công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như trường học, cây xanh…nếu không bức xúc, không đôn đốc thì họ chưa triển khai. Thành phố đang tập trung giải quyết, giao cho một đơn vị rà soát việc này. Nếu những dự án nào không triển khai được thì thành phố sẽ thu hồi và tổ chức đấu giá thực hiện.
Xin cảm ơn ông!