Như thông tin đã đưa, bà Vũ Thị Phước và các hộ dân đang sinh sống ở khu đất giáp ranh Đại học (ĐH) Bách khoa và ĐH Xây dựng trên phố Trần Đại Nghĩa gửi đến báo Dân trí phản ánh: Trường ĐH Bách khoa đã ban hành các văn bản, thông báo và đơn tố cáo sai thực tế khiến hàng chục nhân khẩu rơi vào cảnh sống tạm bợ. Từ khi đường Trần Đại Nghĩa hoàn thành vào năm 2007, trường ĐH Bách khoa liên tục yêu cầu 6 hộ dân đang sinh sống ổn định rời đi nơi khác với lý do phần đất này thuộc diện tích quản lý của nhà trường, mặc dù UBND quận Hai Bà Trưng và nhiều cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo xây dựng phương án bồi thường, tái định cư theo quy định pháp luật.
 
Ông Trịnh Văn Tiến đề nghị Trường ĐH Bách khoa thực hiện việc
Ông Trịnh Văn Tiến đề nghị Trường ĐH Bách khoa thực hiện việc hỗ trợ,
đền bù, tái định cư nếu thu hồi đất theo quy định

Phần diện tích tranh chấp có nguồn gốc thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật do trường ĐH Bách khoa thành lập năm 1990. Sau khi Trung tâm được thành lập, ông Võ Trí Hào được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm, ông Trịnh Văn Tiến (con bà Phước) giữ chức Xưởng trưởng. Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai sản xuất thực nghiệm hóa chất nên buộc phải có nhà xưởng và chỗ ở cho người lao động. Được sự đồng ý của nhà trường, ông Trịnh Văn Tiến cho xây dựng 130m2 bằng vật liệu khung sắt, mái tôn làm nhà xưởng.

Trong quá trình xưởng hoạt động, ông Trịnh Văn Tiến có tờ trình gửi ĐH Bách khoa xin phép được lấp phần ao hoang hóa, hố nước đọng phía sau khu xưởng, nằm giáp sông Sét và được Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật chấp thuận bằng văn bản. Thời điểm các hộ dân bỏ tiền san lấp, khu vực này luôn trong tình trạng ô nhiễm bởi nguồn nước phế thải bốc lên từ sông Sét. Đến năm 2000, trường ĐH Bách khoa yêu cầu Trung tâm trả lại 130 đất ban đầu mở phòng thí nghiệm cho sinh viên. Thực hiện chỉ đạo của trường, Trung tâm đã trả lại toàn bộ diện tích 130m2 ban đầu.

Sau khi Trung tâm hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật trả lại đất cho ĐH Bách khoa, xưởng sản xuất chỉ nằm trên phần đất do ông Tiến và các hỗ dân tự san lấp xây dựng năm 1992. Cùng lúc, trường ĐH Bách khoa cho xây tường rào cao gần 3m ngăn cách phần diện tích các hộ dân đang sử dụng với khuôn viên nhà trường.
 
Ông Trần Tiến Dũng ( phải) giải thích trên bản đồ hiện trạng năm 1996
Ông Trần Tiến Dũng ( phải) giải thích trên bản đồ hiện trạng năm 1996
 
Để làm rõ những tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu phần diện tích giáp ranh nói trên, ngày 27/11/2012, PV Dân trí đã có buổi làm việc với đại diện UBND phường Bách khoa, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội về nguồn gốc phần đất giáp ranh.
 
Trao đổi tại trụ sở UBND phường, ông Trần Tiến Dũng, cán bộ địa chính cho biết: “Theo bản đồ hiện trạng địa giới hành chính do Sở Địa chính TP. Hà Nội vẽ năm 1996, những công trình nhà ở của các hộ dân đang sinh sống ở phần đất nói trên đã thể hiện gần bờ sông Sét, khu vực có nhiều ao, hồ, đấu từ hàng chục năm trước. Về nguồn gốc, chúng tôi xác định phần đất này thuộc quyền quản lý của Đại học Bách khoa, nhưng nhà trường đã buông lỏng quản lý, từ đó dẫn đến việc để cho các hộ dân xây nhà tại đây. Để phục vụ cho việc thu hồi đất, trường Đại học Bách khoa cần lập dự án, lên phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư theo quy định của TP. Hà Nội”.
 
Trước đó, ngày 14/7/2010, Phó Giám đốc Sở TNMT TP. Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã ký văn bản số 688/BC-TNMT -TTr với nội dung báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh quá trình sử dụng đất của ông Trịnh Văn Tiến đối với phần diện tích đất giáp ranh nói trên. Văn bản số 688/BC-TNMT - TTr xác nhận, phần diện tích ông Tiến đang sử dụng có nguồn gốc thuộc quản lý của trường ĐH Bách khoa, việc Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật xác nhận cho ông Trịnh Văn Tiến được san lấp ao hoang không thuộc đất của ĐH Bách khoa là không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, Sở TNMT cũng kiến nghị Trường ĐH Bách khoa lập phương án sử dụng, lên phương án bồi thường hộ trợ khi thu hồi đất.
 
Kết luận của Sở TNMT về vụ tranh chấp quyền sở hữu phần đất giáp ranh
Kết luận của Sở TNMT về vụ tranh chấp quyền sở hữu phần đất giáp ranh
Kết luận của Sở TNMT về vụ tranh chấp quyền sở hữu phần đất giáp ranh

Nội dung văn bản số 688/BC-TNMT - TTr nêu rõ: “...Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc buông lỏng quản lý, sử dụng đất: Cụ thể, để tình trạng lấn chiếm đất xây dựng nhà ở trái phép trong khuôn viên đất được Nhà nước giao từ năm 1976 để xây dựng trường học, khi phát hiện việc chiếm đất và xây dựng trái phép từ năm 1992 không phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý dứt điểm dẫn đến những diễn biến phức tạp, gây dư luận xấu trên địa bàn.

Làm rõ trách nhiệm của ông Võ Trí Hào với vai trò Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật với những nội dung xác nhận trái pháp luật tạo điều kiện cho ông Trịnh Văn Tiến thực hiện việc sử dụng đất và xây dựng nhà ở trong khuôn viên đất của Trường ĐH Bách khoa.

Trường ĐH Bách khoa có trách nhiệm lập phương án sử dụng đất sau khi nhận mặt bằng (do hộ ông Trịnh Văn Tiến và các hộ mua lại của ông Tiến đang sử dụng), đưa diện tích đất này vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích được giao; Bố trí kinh phí phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án được UBND quận Hai Bà Trưng phê duyệt; Phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư di chuyển các hộ dân ra ngoài khuôn viên Trường ĐH Bách khoa theo quy định của pháp luật”.

Tiếp đến, ngày 14/3/2011, Sở Xây dựng và UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục ra văn bản số 252/BC - UBNDQHBT.SXD với nội dung khẳng định phần đất tranh chấp có nguồn gốc thuộc Trường ĐH Bách khoa, đồng thời yêu cầu Trường ĐH Bách khoa lên phương án sử dụng và bồi thường, hỗ trợ với nội dung:

“Công trình xây dựng của gia đình ông Trịnh Văn Tiến và các hộ nhận chuyển nhượng lại đã xây dựng từ năm 1992, quá trình cải tạo, sửa chữa, Trường ĐH Bách khoa, UBND phường Bách khoa chưa xử lý kịp thời.
 
Văn bản kết luận của UBND quận Hai Bà Trưng và Sở Xây dựng
Văn bản kết luận của UBND quận Hai Bà Trưng và Sở Xây dựng

Vì vậy, việc đề nghị xử lý công trình theo quy định đối với công trình vi phạm TTXD - ĐT để thực hiện thu hồi đất cho Trường ĐH Bách khoa là không có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Để tiến hành thu hồi đất của gia đình ông Trịnh Văn Tiến và các hộ nhận chuyển nhượng nhà đất từ gia đình ông Trịnh Văn Tiến, Trường ĐH Bách khoa phải lập dự án đầu tư trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, có phương án sử dụng đất trình Bộ Tài chính phê duyệt theo đúng kết luận của ban Chỉ đạo 09 TP. Hà Nội và chỉ dạo UBND TP. Hà Nội. Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đủ điều kiện pháp lý sẽ tổ chức giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư theo quy định hiện hành”.

Trao đổi với PV Dân trí, các hộ dân đang sinh sống tại đây tái khẳng định sẵn sàng chuyển đi nơi ở khác nếu khu đất này được lấy phục vụ các dự án công ích nhà nước, nhưng Trường ĐH Bách khoa cũng phải đưa ra mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định. Đưa ra văn bản yêu cầu thu hồi theo kiểu “thu trắng” mà trường ĐH Bách khoa đưa ra là xâm hại quyền lợi chính đáng của công dân.

PV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Theo Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương

Dân Trí

http://land.cafef.vn/chinh-sach-quy-hoach/muon-thu-hoi-dat-dai-hoc-bach-khoa-can-len-phuong-an-ho-tro-boi-thuong-2012112808048634ca44.chn