Thuế cao - lợi bất cập hại ?
Chủ đề liệu đánh thuế cao có thể coi là công cụ hữu hiệu chống lại hiện tượng đầu cơ bất động sản hay không là một trong những nội dung có nhiều ý kiến trái chiều.
Nếu như trong hội trường, có những quan điểm cho rằng, mức thuế suất hiện nay chưa “đủ nặng” để chống đầu cơ đất đai, đặc biệt với những khu vực đang có quy hoạch thì mức thuế trong dự thảo luật là quá thấp đối với những đối tượng đầu cơ đất đai. Thậm chí, có đại biểu đề xuất nâng hẳn mức thuế vượt hạn mức quá cao ở khu vực thành thị để chống đầu cơ, tạo điều kiện cho người lao động dần tiếp cận được với nhà ở, đất ở...
Tuy nhiên bên lề, ở góc độ các chuyên gia về bất động sản, kinh tế thì trước khi bàn đến việc đánh thuế cao có giảm hay triệt tiêu được đầu cơ thì cần xác định, đi sâu vào bản chất của "đầu cơ" để có thể đưa cách giải quyết hiệu quả.
Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giải pháp dùng thuế để chống đầu cơ không phải là gốc của vấn đề. Việt Nam phát triển và hội nhập, các hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng và phức tạp. Ngoài nhu cầu sử dụng nhà, đất để ở thì người dân còn có nhiều mục đích khác đối với nguồn tài nguyên này.
“Đây là nhu cầu thực tế, hơn nữa nếu khó khăn trong việc đầu tư bất động sản tại thị trường nội địa, không có lý do gì mà dòng tiền ‘đầu cơ’ lại không chảy ra các thị trường bất động sản nước ngoài. Vấn đề đặt ra ở đây là nâng cao trình độ quản lý điều hành và khả năng kiểm soát hoạt động sở hữu đất đai của dân chúng trên liên thông toàn quốc," bà Loan nhận định.
Còn theo Luật sưTrần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, đánh thuế cao sẽ khiến giá bán lẫn giá cho thuê bất động sản tăng, như vậy người dân càng khó tiếp cận nhu cầu nhà ở. Hay, thuế suất cao cũng có thể khiến nhiều người sẽ phải bán đi nhà, đất do cha ông để lại. Trong khi đó, với các nhà đầu cơ có nhiều tiền thì sắc thuế có đánh cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến họ.
“Thực trạng xã hội có tới 80% các vụ kiếu kiện là liên quan đến đất đai. Đây là vấn đề thời sự và nếu chúng ta chỉ chú trọng chống đầu cơ bằng các sắc thuế, sẽ không đi đến đâu. Thậm chí có nguy cơ các dòng tiền tham nhũng, phạm pháp sẽ lợi dụng bất động sản để rửa tiền,” ông Triển lo ngại.
Thuế cần phù hợp mức sống và công bằng
Một nội dung khác được đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình là mức áp thuế suất đối với đất phi nông nghiệp. Cụ thể, về mức thuế suất đối với đất ở, Dự thảo Luật quy định ba mức: diện tích đất ở trong hạn mức (hạn mức sử dụng đất do UBND tỉnh, thành phố quy định) thuế suất là 0,03%; phần diện tích đất ở vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần thì mức thuế suất 0,06%. Riêng phần diện tích đất ở vượt trên 3 lần hạn mức thì thuế suất ở mức 0,1% (tăng 0,01% so với dự thảo trình Quốc hội kỳ họp trước).
Đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, Dự thảo quy định áp dụng mức thuế suất 0,03%; riêng đối với đất sử dụng sai mục đích, đất được giao mà không đưa vào sử dụng đúng thời hạn thì thuế suất là 0,1%.
Về thuế suất đối với đất tại nhà chung cư (hệ số phân bổ), trên cơ sở xem xét các phương án khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định diện tích đất tính thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà thuộc quyền sở hữu của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Đối với đất lấn chiếm áp dụng mức thuế suất chung mức cao nhất là 0,15% và không áp dụng quy định về hạn mức đối với diện tích đất lấn, chiếm.
Theo luật sư Trần Đình Triển, chủ trương tăng nguồn thu ngân sách từ hoạt động thu thuế nhà, đất là đúng. Song cần phải phù hợp điều kiện sống của người dân và đảm bảo thuế không bị đánh trùng, nếu không sắc thuế sẽ không có tính thực tiễn.
Từ góc độ lý thuyết cơ bản, ông Triển đưa ra quan điểm, đã là thuế thì phải công bằng giữa mọi công dân trong xã hội.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Đỗ Thị Loan nhận định, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.600 USD/năm, thì mức thu thuế là chưa hợp lý và sẽ gây khó cho người dân.
“Khi đó, người ta sẽ tìm cách lách luật để giảm tối thiểu mức thuế phải đóng như chia lẻ lô đất cho từng người trong gia đình hoặc nhờ người đứng tên… Và kéo theo các vấn đề tiêu cực nảy sinh hay xã hội sẽ phải mất thêm chi phí không nhỏ cho giải quyết các tranh chấp không đáng có sẽ xảy ra.”
Luật sư Trần Đình Triển cũng chỉ ra, việc thực hiện thu thuế ở các trường hợp đất sử dụng sai mục đích, đất được giao mà không đưa vào sử dụng đúng thời hạn sẽ tạo ra kẽ hở, Luật sẽ không đủ tính răn đe các hành vi sai phạm của các đối tượng được giao đất. Hay như, thu thuế ở trường hợp lấn chiếm đất thì vô hình chung đã hợp quyền sở hữu đất của các đối tượng này bằng thuế.
“Hy vọng, Luật mới ra đời sẽ có những thay đổi đáng kể chứ không chỉ dừng lại ở các giải pháp chắp vá,” ông Triển nói.
|