Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Trung tâm hành chính quốc gia: Ba Vì vẫn là “lý tưởng” nhất
2010-03-30 14:12:31

Về lâu dài, trung tâm hành chính quốc gia vẫn phải được quy hoạch tại khu vực chân núi Ba Vì và gắn với phía Bắc đô thị Hòa Lạc.

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, tạo buổi họp với các đơn vị tư vấn quy hoạch thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 29/3.

Khu vực Ba Vì có nhiều “điểm lợi”

Theo ông Nguyễn Thế Thảo, hiện có nhiều ý kiến đề cập đến mô hình phát triển không gian Thủ đô Hà Nội, gồm đô thị trung tâm và năm đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn), đặc biệt là vấn đề vị trí xây dựng trung tâm hành chính quốc gia.

Tuy nhiên, ông Thảo cho biết, quan điểm của thành phố và Bộ Xây dựng là phải xây dựng nhiều đô thị vệ tinh để tránh sự quá tải cho đô thị lõi của Hà Nội. Đặc biệt, thành phố và Bộ Xây dựng cũng đã thống nhất, quy hoạch trung tâm hành chính quốc gia tại khu vực chân núi Ba Vì, bởi có nhiều yếu tố thuận lợi, lý tưởng hơn khu vực khác.

“Quyết định cuối cùng vẫn là theo đồ án quy hoạch chung Thủ đô, sẽ được Chính phủ và Quốc hội thông qua trong thời gian tới”, ông Thảo nói.

Hiện trước mắt, thành phố sẽ xây dựng quy hoạch trụ sở một số cơ quan hành chính nhà nước tại khu vực Mễ Trì - Mỹ Đình, giữ nguyên, cải tạo, chỉnh trang trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo vệ, cơ sở đang xây dựng, mới đưa vào sử dụng.

Đồng thời thành phố sẽ lên kế hoạch di dời toàn bộ các cơ sở của các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ còn lại ra khỏi đô thị lõi tới vị trí dự kiến tại khu vực Mễ Trì - Mỹ Đình. Riêng trung tâm hành chính của thành phố Hà Nội giữ nguyên vị trí như hiện nay.

Về phía mình, ngoài việc đề xuất phát triển 5 đô thị vệ tinh, tư vấn PPJ đề xuất xây thêm 8 cầu và 1 hầm vượt sông Hồng, xây dựng mới các tuyến đường sắt quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cải tạo đường sắt ngoại ô kết nối với hệ thống đường sắt nội đô và quốc gia thông qua các ga đầu mối.

Ngoài ra, trong đồ án đưa ra, nhà tư vấn PPJ cũng đề xuất xây dựng cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài lớn nhất phía Bắc đạt 25 triệu hành khách/năm vào năm 2030. Đặc biệt, đô thị trung tâm cần đạt chỉ tiêu mật độ mạng lưới đường hành chính cấp thành phố 3 - 5km/km2, tỷ lệ đất giao thông 20 - 26%, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 45 - 55%, mạng lưới giao thông công cộng 2 - 3km/km2. Phấn đấu đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng hạ ngầm, đặc biệt tại các vùng vành đai 3 - 4, khu vực các đô thị vệ tinh...

Theo ước tính của bên tư vấn, tổng vốn đầu tư cho khung hạ tầng toàn thành phố sẽ lên tới 60 tỷ USD, đến năm 2030. Giai đoạn tầm nhìn 2050, xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật tăng thêm khoảng 29,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 16,8 tỷ USD.

“Rút” 400.000 dân ra ngoại thành

Liên quan đến đề án di dời dân trung tâm ra ngoại thành, tư vấn PPJ cho rằng, chỉ số phát triển nhà ở đô thị đến năm 2030 của Hà Nội cần phải đạt 20m2/người và nhà ở nông thôn 12m2 sàn/người năm 2020, 15m2 sàn/người vào năm 2030.

Chính vì vậy, đối với khu phố cổ, thành phố không nên không phát triển nhà ở mới, tập trung cải thiện chất lượng ở (nhà ở, môi trường). Đồng thời, khuyến khích quá trình giảm mật độ dân số, bảo tồn giá trị kiến trúc nhà ở, không gian truyền thống.

Theo dự tính của PPJ, đến năm 2030, dân số Hà Nội sẽ có khoảng 9,1 triệu người, tới năm 2050 khoảng trên 10 triệu người. Trong đó, khu phố cổ sẽ được kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt với dân số tối đa 800.000 người.

Như vậy, số dân ở nội thành sẽ phải “rút bớt” 400.000 người trong vòng 20 năm tới, từ 1,2 triệu hiện tại xuống còn khoảng 80 vạn dân. Hiện dân số tại khu trung tâm đã gấp 3 lần so với quy hoạch do Pháp xây dựng cho khu này.

Tuy nhiên, cả tư vấn PPJ và lãnh đạo thành phố đều thống nhất rằng, không thể dùng biện pháp hành chính để di dân mà phải có giải pháp mang tính khả thi.  Chính vì vậy, trong đồ án quy hoạch, PPJ đã đề xuất xây dựng chuỗi đô thị mới ở phía Đông vành đai 4 và phía Tây của sông Nhuệ, có sức chứa khoảng 1,2 triệu dân, với mật độ xây dựng thấp nhưng khuyến khích xây dựng cao tầng, tận dụng quỹ đất để dành cho cảnh quan, cây xanh, hạ tầng xã hội.

Tư vấn PPJ cho rằng, khi người dân nội đô thấy điều kiện sống ở đó tốt hơn họ sẽ tự di chuyển ra ngoài. Từ trước đến nay câu chuyện về giãn dân phố cổ, phố cũ chưa thành công là vì chưa hình thành được các khu đô thị tiện nghi.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, di dân từ trung tâm ra ngoài là cần thiết. Song điều quan trọng là tư vấn cần phải làm rõ hơn thông tin về quỹ đất dự kiến để di chuyển các cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp... Tiến độ triển khai cho các giai đoạn khác nhau cũng phải được dự báo.

Đồng thời, tư vấn phải đưa ra được định hướng đối với các khu đất trong lõi trung tâm sau khi di chuyển để nâng cao chất lượng sống đô thị...
 
Theo VnEconomy




Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,199.504,799.50
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,318.203,928.20
100g ABC Bullion Bar
13,843.2012,693.20
1kg ABC Bullion Silver
1,655.201,305.20
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 322
  • Truy cập hôm nay: 1574
  • Lượt truy cập: 8618125