Còn nhớ tháng 8/2013, kỳ vọng thị trường ô tô trong nước phục hồi trước những quyết sách ưu tiên của Chính phủ, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nâng mức dự kiến sản lượng xe lên 103 nghìn xe. Tuy nhiên, kết quả tốt đẹp hơn hẳn. Tính đến cuối năm 2013, toàn ngành đã tiêu thụ hơn 110 nghìn xe, tăng 19% so với năm 2012.
[Xem thêm: VAMA: Doanh số bán ô tô 2013 của Việt Nam đạt hơn 110.000 chiếc, tăng 19%]
Nhìn con số 19% lạc quan đó, không ít người hào hứng với cú hích cuối năm của
ngành công nghiệp tiềm năng này. Gì thì gì, đó cũng là một trong những ngành công nghiệp khổng lồ, giá trị sản xuất cũng như số lượng nhân công thu hút tương đối lớn.
Tuy nhiên, con số khiến chúng ta giật mình là sự chênh lệch đáng kể giữa tăng trưởng dòng xe
lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2013, doanh số xe lắp ráp trong nước tăng 18%, xe nhập khẩu tăng 23%. Như vậy, thành tích 19% có được, chủ yếu là nhờ vào dòng xe nhập khẩu.
Theo báo cáo tình hình bán hàng của VAMA tháng 12/2013 (ra ngày 10/1/2014), trong riêng tháng 12, sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 10,3 nghìn xe, tăng 24% so với tháng trước. Trong khi đó, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc gần 3 nghìn xe, tăng 57%. Đành rằng, số lượng xe nhập khẩu đang chiếm tỷ lệ tương đối thấp, nhưng tốc độ tăng khiến chúng ta phải bất ngờ.
Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2014, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ giảm từ 60% xuống 50%. Riêng xe tải và xe chuyên dụng được hưởng mức thuế suất từ 0-5%. Đây được đánh giá là một tin vui đối với những người lâu nay muốn sắm ô tô.
Và là nỗi lo của ngành
công nghiệp ô tô Việt Nam - vốn vẫn còn non trẻ, sau nhiều năm!
Sau đây là biểu đồ sản lượng cũng như tốc độ tăng trưởng của dòng xe lắp ráp trong nước (màu xanh) và xe nhập khẩu (màu đỏ) trong 12 tháng năm 2013:
Báo cáo bán hàng VAMA tháng 12/2013
Như vậy, chỉ có 4 tháng tốc độ tăng trưởng xe lắp ráp trong nước vượt xe nhập khẩu. Còn lại, xe nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng doanh số ấn tượng hơn, vượt xa xe lắp ráp trong nước.
Năm 2014, theo dự báo của VAMA, doanh số ô tô Việt Nam cũng chỉ tăng ở mức 9%. Vậy thì, ô tô lắp ráp trong nước sẽ tăng trưởng bao nhiêu %, và khoảng cách giữa ô tô lắp ráp và nhập khẩu có giãn rộng ra?
Ước mơ về một thị trường ô tô bùng nổ
Theo ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc
Toyota Việt Nam, năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ ASEAN được giỡ bỏ, giá xe nhập khẩu giảm sẽ giúp thị trường tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, phải đến năm 2025 trở đi mới là giai đoạn phổ cập hóa ô tô thì thị trường mới thực sự bùng nổ.
Như một phân tích trước đây của chúng tôi với bài học thành công từ Thái Lan. Ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ chỉ thực sự vững vàng khi hội nhập khi nó có một "dung lượng", quy mô đủ lớn.
Cứ cho rằng từ nay đến 2014, doanh số ô tô trong nước tăng 10% mỗi năm, thì đến 2018, doanh số toàn ngành cũng chưa đến 200 nghìn xe trong đó có cả xe nhập khẩu, một con số cực kỳ khiêm tốn. Cũng phải nhắc lại, Thái Lan hiện nay đang xuất khẩu khoảng 1 triệu chiếc xe. Và không có điều gì chắc chắn sắp tới quốc gia này sẽ không tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam với lợi thế rõ ràng về giá thành.
Ô tô Việt Nam còn gần 5 năm nữa để hưởng các ưu đãi. Và sau đó khoảng 13 năm để thực sự đón đầu những cơ hội về một thị trường bùng nổ.
Với những "thành tích" kể trên của mảng lắp ráp ô tô trong nước, các nhà hoạch định chính sách không thể không lo ngại. Đấy là chưa nói đến một ngành công nghiệp sản xuất ô tô thực sự, thay vì nhập linh kiện và lắp ráp như hiện nay.
Ngọc Lan