Tuy nhiên, theo nhận định của TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, trong thành tựu, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
90 triệu “vàng”
TS Dương Quốc Trọng cho biết, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người vào tháng 11.2013 là một sự kiện có nhiều ý nghĩa, là mốc son trong lịch sử phát triển nhân khẩu học cũng như trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Theo TS Trọng, Việt Nam đang là một cường quốc về quy mô dân số, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 14 trên thế giới. Con số này đồng nghĩa với quy mô về thị trường lao động và tiêu dùng lớn. Từ năm 2007, dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tức cứ 2 người làm nuôi 1 người phụ thuộc.
Giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” sẽ kéo dài khoảng 30-35 năm hoặc hơn nữa nếu chúng ta biết cách điều chỉnh mức sinh hợp lý. Như vậy, hơn 62 triệu “mỏ vàng” của Việt Nam đang có 30 năm nữa để lao động, tích lũy của cải cho đất nước.
“Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn rằng, chúng ta mới có vàng về số lượng chứ chưa có vàng về chất lượng. Do đó, chúng ta cần phải có nhiều chính sách về giáo dục, đào tạo, việc làm để có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu quý giá và không thể lấy lại này trong thời gian tới” – TS Trọng nhấn mạnh.
GS-TS Nguyễn Đình Cử - chuyên gia Dân số của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội nhận định, 90 triệu dân cũng kéo theo nhu cầu rất lớn về giáo dục, kinh tế, việc làm, an sinh xã hội… Đây là những gánh nặng mà Việt Nam sẽ phải gồng mình ganh vác trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam cũng vừa đạt mốc 9 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Song song với các giải pháp để tận dụng dân số vàng như tăng cường đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế thu hút lao động, xuất khẩu lao động… Việt Nam cần phải gấp rút chuẩn bị điều kiện cho một “thế giới người già” trong 20-30 năm nữa. Lúc đó, cán cân sẽ đảo ngược, 1 người lao động sẽ có 2 người phụ thuộc.
VnExpress ngày 26/12 dẫn lời TS. Trọng cho hay: "Nếu trước đây chúng ta hay thấy biểu ngữ 'mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con' thì giờ thông điệp chúng tôi muốn gửi tới là 'hãy sinh 2 con', 'sinh 2 con là tốt nhất', Tổng cục trưởng Tổng cục dân số Dương Quốc Trọng nói. |
Cần ban hành Luật Dân số
Năm 2013, ngành DS cũng đã long trọng tổ chức kỷ niệm 10 năm PLDS (2003-2013). Cho đến nay, PLDS vẫn là văn bản pháp lý cao nhất của nước ta, điều chỉnh các quan hệ pháp luật giữa các chủ thể trong lĩnh vực dân số. Nhờ có pháp lệnh này mà ngành DS đã có nhiều thành tựu lớn.
Về mức sinh, nếu như năm 2002, số con trung bình/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta là 2,28 con, thì năm 2012 còn 2,05 con. Việt Nam đã nhanh chóng đạt được mức sinh thay thế vào năm 2006 (2,09 con/phụ nữ). Mức sinh giảm, mức chết cũng giảm, đặc biệt tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, tỷ số tử vong bà mẹ đều giảm; đời sống người dân ngày một được cải thiện, thu nhập bình quân tăng.
TS Dương Quốc Trọng khẳng định:“Luật Dân số sẽ là sự kế thừa có chọn lọc Pháp lệnh Dân số và khắc phục những hạn chế trong pháp lệnh để phù hợp với thời cuộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh” . |
Tuy nhiên, theo GS - TS Nguyễn Đình Cử, PLDS đã có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế. Ví dụ, việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng tăng, kéo theo sự mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng.
Quy định “hạn chế tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn” của PLDS khó được thực hiện tại các đô thị lớn do nhiều chính sách không nhất quán. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chậm được triển khai và có những lo ngại về sự “trùng lặp” công việc giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp…
Do đó, vấn đề cấp bách trước mắt của ngành dân số là xây dựng dự thảo Luật Dân số để sớm trình Chính phủ và đưa vào thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.