Phiên họp Quốc hội (QH) toàn thể thảo luận ngày 3-6, 42 đại biểu (ĐB) QH đã nói lên quan điểm của mình về việc sửa đổi HP cũng như tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân về HP. Tập hợp các ý kiến cho thấy dường như hầu hết chấp nhận mức độ sửa đổi như dự thảo, chẳng hạn như với vấn đề tên nước, vai trò lãnh đạo của Đảng... Tuy nhiên, riêng về chương chính quyền địa phương (CQĐP) lại có những luồng ý kiến khác nhau, chưa ngã ngũ.
Giữ nguyên hay đổi mới?
Với cơ cấu cán bộ công tác ở địa phương chiếm tỉ lệ khá lớn trong QH, vấn đề tổ chức CQĐP thế nào được khá nhiều ĐB đề cập. Các phân tích xoay quanh hai phương án thể hiện trong dự thảo: (1) quy định rất ngắn gọn về đơn vị hành chính, còn mô hình CQĐP để thảo luận tiếp khi xây dựng luật; (2) giữ nguyên quy định khá chi tiết ở HP 1992.
Trong số những ĐB ủng hộ giữ nguyên mô hình CQĐP, ông Huỳnh Nghĩa - đến từ Đà Nẵng, một trong 10 tỉnh, thành đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường lập luận khá chi tiết. “Việc thí điểm đến nay đã gần năm năm mà chưa tổng kết. Điều đó cho thấy tính phức tạp, nhạy cảm” - ông nói.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Từ trải nghiệm của mình, ông Nghĩa cho rằng giao cho HĐND cấp tỉnh giám sát xuống cấp dưới là phi thực tế. Còn nói cơ quan dân cử cấp huyện hình thức là chưa thực sự chính xác, mang nặng định kiến. “Hình thức, cầm chừng, thiếu hiệu lực, hiệu quả là do thiếu cơ chế hoạt động, chưa hội đủ các điều kiện cần để phát huy vai trò cơ quan dân cử. Không loại trừ do cơ cấu nhân sự Thường trực HĐND không đủ mạnh, không tương xứng với vai trò, chức năng, từ đó dẫn tới tâm lý ngại va chạm, không dám thể hiện quan điểm của mình trước cái đúng, cái sai” - ông phân tích.
Không nên quy định quá sâu
Ngược lại, một số ĐBQH cho rằng HP không nên quy định quá sâu để mở đường cho quá trình tìm tòi, đổi mới mô hình tổ chức CQĐP. Ông Trần Du Lịch (TP.HCM) phát biểu khá sâu theo hướng này: “Tôi kỳ vọng sửa HP lần này sẽ khắc phục được bất cập lớn nhất hiện nay, là tổ chức nền hành chính thiếu hiệu quả”.
Ông nói tiếp: “QH khóa XIII đang đứng trước trách nhiệm lịch sử như một QH lập hiến. Do đó, tất cả vấn đề có ý kiến khác nhau cần thảo luận đến cùng, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Không nên vì vấn đề gì khó mà không làm”.
Cho rằng rào cản vướng mắc nhất trong cải cách hành chính hiện nay là tổ chức bộ máy, nhất là CQĐP chưa được đổi mới đáng kể, vì vậy theo ông Lịch, HP cần đột phá, theo cách quy định ngắn gọn, không chi tiết nhưng phải phản ánh đủ bốn nguyên tắc tổ chức, hoạt động của CQĐP.
Cụ thể, thứ nhất phải xác định là có nên đồng nhất đơn vị hành chính với chính quyền không và quyết định mấy cấp chính quyền? Dẫn kinh nghiệm của Trung Quốc, ông Lịch cho rằng Việt Nam nên theo mô hình chính quyền hai cấp, tỉnh và cơ sở.
Nguyên tắc thứ hai cần hiến định là địa vị pháp lý của CQĐP biểu hiện ở hai chức năng hành pháp chính phủ trên địa bàn - tức thực thi pháp luật và chức năng đại diện lợi ích của cộng đồng nhân dân địa phương. Hai chức năng đó hòa quyện với nhau.
Thứ ba, cần xác định quyền lực nhà nước chỉ được phân công theo ba nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp. CQĐP với hai chức năng chính nêu trên thì HĐND trong đó không nên coi là cơ quan quyền lực nhà nước. Thay vào đó, cần coi thiết chế dân cử là cơ chế để thực hiện quyền tự quản của địa phương trong mối quan hệ với chính quyền trung ương.
Cuối cùng, HP cần xác định nền hành chính quốc gia là thống nhất nhưng không đồng nghĩa đồng nhất về mặt tổ chức. “Do đó cho phép tổ chức mô hình chính quyền khác nhau tùy thuộc vào đặc thù của từng địa phương, là đô thị hay nông thôn, đất liền hay hải đảo và mục tiêu định hướng phát triển” - ông Lịch góp ý.
Tự chủ: Phải bắt đầu từ ngân sách
Liên quan chặt chẽ với các quy định về CQĐP, ĐB Trần Du Lịch cho rằng cần đổi mới cơ chế quyết định ngân sách. Vấn đề này, Dự thảo HP đưa ra hai phương án: (1) QH quyết toán ngân sách Nhà nước (tức bao gồm cả ngân sách địa phương) và (2) QH chỉ quyết toán ngân sách trung ương.
“Đây là vấn đề quan trọng” - ông Lịch nhận xét. “Tôi cho rằng cần làm rõ phần nào là của địa phương, phần nào của quốc gia hỗ trợ thêm theo cách phân bổ về địa phương. Đã là ngân sách quốc gia thì QH quyết toán, giám sát. Còn ngân sách địa phương thì hãy để HĐND quyết định. Địa phương nào nguồn thu càng lớn thì tự chủ phải càng lớn và ngược lại nguồn thu ít, còn dựa nhiều vào hỗ trợ của trung ương thì tự chủ ít. Có thế mới tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự quản cho địa phương” - ông kiến nghị.
Hầu hết ủng hộ giữ nguyên tên nước Đối với vấn đề tên nước, giống như dự thảo cũng như giải trình của Ủy ban Dự thảo HP, các vị đại biểu dân cử đều ủng hộ việc giữ nguyên tên nước hiện tại. Lập luận chủ yếu cho rằng thành tố XHCN trong tên nước đang phản ánh đầy đủ, chính xác nhất mục tiêu, định hướng phát triển của đất nước. Tuy nhiên, giải trình với những người dân có nguyện vọng trở lại với quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì một số ý kiến cho rằng cần thận trọng, nghiêm túc. Theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), một bộ phận cử tri, người dân có nguyện vọng như vậy mà chỉ lập luận không đổi tên vì tốn kém thì chưa thuyết phục. “Vậy đổi tên trước đây thì sao? Phải chăng không tốn kém? Dù cho tốn kém mà để ra một bản HP hiệu quả, phù hợp với lòng dân thì vẫn đồng thuận cao” - ông Hà nêu ý kiến. |
Pháp luật Tp.HCM
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,426.80 | 4,026.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 166
- Truy cập hôm nay: 1159
- Lượt truy cập: 8594141